Dàn khí tài phòng thủ không bảo vệ nổi chiến hạm Mỹ trước tàu hàng

Trang bị radar tối tân cùng hệ thống phòng thủ nhiều lớp, khu trục hạm Fitzgerald vẫn không tránh nổi cú đâm của tàu chở hàng.

USS Fitzgerald bị hư hại sau cú va chạm với tàu Philippines

Vụ va chạm giữa tàu USS Fitzgerald (DDG-62) và tàu hàng ACX Crystal của Philippines hôm 17/6 đã làm dấy lên tranh cãi về khả năng tự vệ của tàu chiến Mỹ. Theo Popular Mechanics, vụ đâm va này là một sự cố rất hy hữu, bởi tàu khu trục lớp Arleigh Burke như Fitzgerald được trang bị hệ thống phòng thủ thuộc loại mạnh nhất của hải quân Mỹ.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke được phát triển trong thập niên 1980, đóng vai trò là chiến hạm phòng không để bảo vệ tàu sân bay Mỹ trước tên lửa diệt hạm Liên Xô. Lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga đóng vai trò lớp phòng thủ giữa, sau tiêm kích hạng nặng F-14 và trước vũ khí tự vệ của tàu sân bay.

USS Fitzgerald được khởi đóng ngày 9/2/1993, hạ thủy sau đó gần một năm và đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 14/10/1995. Tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực giúp tàu đạt vận tốc hơn 55 km/h.

Tàu không được trang bị giáp bảo vệ, chỉ có một số khu vực trọng yếu dùng cấu trúc vỏ hai lớp thép và vật liệu Kevlar ngăn mảnh văng. Đây có thể là lý do khiến vỏ tàu bị hư hại nặng nề sau khi hứng chịu cú đâm từ tàu hàng có lượng giãn nước 29.000 tấn.

Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, trung tâm của USS Fitzgerald là hệ thống tác chiến Aegis với radar phòng không mảng pha quét điện tử AN/SPY-1D, cho phép tàu phát hiện và theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc. Một trong 4 đài radar AN/SPY-1D đã bị hư hỏng nặng trong vụ va chạm với tàu ACX Crystal.

Dàn khí tài phòng thủ không bảo vệ nổi chiến hạm Mỹ trước tàu hàng ảnh 1

Đài radar AN/SPY-1D bị hư hỏng sau cú đâm. Ảnh:Reuters.

Tàu được trang bị 90 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và tên lửa mang ngư lôi chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Việc bố trí phân tán vũ khí đảm bảo tàu duy trì hỏa lực khi một hệ thống bị trục trặc.

Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, USS Fitzgerald còn đảm nhận các vai trò khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Nó được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Ngoài ra, tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Để cận chiến, DDG-62 có một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và hai pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm.

USS Fitzgerald là một trong 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Nó cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B.

Theo các chuyên gia quân sự và hàng hải, việc tàu Fitzgerald bị đâm ở vùng biển nhộn nhịp ngoài khơi Nhật Bản nhiều khả năng là hậu quả do sai sót của con người, đặc biệt là kíp trực đêm trên tàu. Khi người vận hành mắc sai lầm, các hệ thống dù có hiện đại đến đâu cũng khó có thể bảo vệ tàu trước thảm họa.

Nguyên nhân của vụ tai nạn này đang được hải quân Mỹ và nhà chức trách Nhật điều tra. Quá trình này có thể mất nhiều tháng, trong khi Fitzgerald sẽ phải trải qua quá trình sửa chữa tới một năm mới có thể tiếp tục hoạt động.

Dàn khí tài phòng thủ không bảo vệ nổi chiến hạm Mỹ trước tàu hàng ảnh 2

Hệ thống vũ khí trên tàu USS Fitzgerald. Đồ họa:Việt Chung.

Tin cùng chuyên mục