Những cải cách của Luật Doanh nghiệp đã tạo ra sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp thành lập hàng năm và huy động vốn đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Đổi mới tư duy về quyền kinh doanh
Nếu Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 ghi dấu ấn với việc khai sinh ra khu vực kinh tế tư nhân thì Luật Doanh nghiệp 1999 và các lần sửa đổi sau này là cuộc cách mạng về tư duy quản lý kinh tế, hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc “được làm những gì mà pháp luật không cấm”, đồng thời đặt nền tảng cho những cải cách thể chế mạnh mẽ trong suốt 20 năm vừa qua.
Trước năm 1999, quản lý nhà nước về kinh tế được dựa trên nguyên tắc người dân và doanh nghiệp chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó. Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời đã xóa bỏ tư duy đó và thay bằng nguyên tắc: người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm và theo đó, năng lực quản lý phải được xây dựng đủ để quản lý và thúc đẩy sự phát triển. Đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp đã quy định đầy đủ quyền tự do kinh doanh và tạo lập cơ sở pháp lý cho thực thi quyền tự do kinh doanh: bãi bỏ nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh theo đúng ngành nghề ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bãi bỏ quy định ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và ban hành công khai danh mục loại trừ về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Cùng với cải cách về tư duy quản lý kinh tế, các thủ tục hành chính đã có thay đổi mạnh mẽ. Kể từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, thời gian để đăng ký thành lập doanh nghiệp đã giảm từ khoảng 6 tháng thậm chí nhiều năm xuống còn 3 ngày và có thể ít hơn trên thực tế.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã tiếp tục bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết (thủ tục thông báo mẫu dấu) và triển khai thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp hoàn toàn qua môi trường mạng, tiệm cận chuẩn mực quốc tế phổ biến về thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Theo kết quả điều tra PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đăng ký doanh nghiệp luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là thủ tục thuận lợi nhất trong kinh doanh và có nhiều cải thiện nhất.
Những cải cách của Luật Doanh nghiệp đã tạo ra sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp thành lập hàng năm và huy động vốn đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh. So sánh riêng 5 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 (từ 2000 - 2005) và giai đoạn 10 năm trước đó (1990 - 1999), số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gấp 3,3 lần; số doanh nghiệp đăng ký trung bình hàng năm gấp 6 lần. So sánh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm thì hiện nay đã gấp 10 lần so với 20 năm trước đây. Thực tế, nhiều doanh nghiệp được thành lập và hoạt động kinh doanh thành công là kết quả từ những cải cách của Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 1999. Thủ tướng Phan Văn Khải đã ví cải cách của Luật Doanh nghiệp 1999 như Khoán 10 trong nông nghiệp.
Nâng tầm cải cách từ tạo thuận lợi đến bảo vệ nhà đầu tư
Thực tế cho thấy, quản trị công ty không chỉ là vấn đề thể chế mà là yếu tố quan trọng trong kinh doanh và phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Một môi trường thể chế tốt được đo lường dựa trên 8 yếu tố quan trọng, trong đó có yếu tố là thể chế về “quản trị công ty”. Quản trị công ty tốt không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài; giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ. Quản trị tốt giúp ngăn ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, có thể kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy doanh nghiệp tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách đột phá về thể chế bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, xếp hạng 89/190 quốc gia (so với thứ hạng 169/170 năm 2013). Sau đó, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông của Việt Nam dần tụt hạng do nhiều nước khác cải cách và xếp 97/190 quốc gia vào năm 2019.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đặt mục tiêu quan trọng là chủ động xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế. Nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ nhà đầu tư đã được thể chế hóa trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, như: mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông...
Như vậy, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần thứ 4 này không chỉ tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 1999, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh, mà đã tiến thêm một bước hướng tới nâng cao chất lượng doanh nghiệp bằng việc nâng cấp mạnh mẽ khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất. Tuy nhiên, để đạt được quản trị tốt, còn đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức của chính doanh nhân, doanh nghiệp về lợi ích của quản trị tốt và sự tích cực, chủ động áp dụng nguyên tắc quản trị tốt vì lợi ích của chính cộng đồng doanh nghiệp.