Ấn Độ là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu năm 2023, đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 |
Duy trì sức bền
Phải thừa nhận rằng, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một trong những quãng thời gian khó khăn bậc nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2007 - 2008. Tất cả bắt đầu bằng việc đại dịch Covid-19 bùng phát, tiếp theo là đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng và thị trường thực phẩm bởi các xung đột địa chính trị và hiện tại là cuộc chiến tại dải Gaza.
Môi trường kinh tế - xã hội không ổn định kể từ đại dịch đẩy nền kinh tế thế giới đối diện hết khó khăn này tới khó khăn khác, trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước biến động địa chính trị, lạm phát leo dốc và lãi suất ở mức cao. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, mà mạnh tay nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã trở thành lực cản đối với quá trình hồi phục của nhiều nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực đã tạo tác động “chữa lành" đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (công bố tháng 10/2023), lạm phát đang trên đà đi xuống khi giảm từ 9,2% năm 2022 xuống 5,9% năm 2023. Trong năm 2024, lạm phát được dự báo sẽ ở quanh mức 4,8%.
FED tăng lãi suất quyết liệt năm 2023 và có tín hiệu sẽ hạ lãi suất từ 2024. Nguồn: FED, dữ liệu của Bloomberg Finance L.P. tính đến 14/12/2023 |
Lạm phát cơ bản (sự thay đổi của giá hàng hoá, dịch vụ nhưng không bao gồm giá lương thực và năng lượng) cũng được dự báo sẽ giảm còn 4,5% năm 2024. Đây là “đèn xanh" báo hiệu nền kinh tế toàn cầu có thể hạ cánh mềm, nhất là với nền kinh tế Mỹ.
Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, từ mức 3,5% năm 2022 xuống 3% năm 2023 và 2,9% năm 2024. Các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng trưởng GDP ở mức 1,5% năm 2023 và 1,4% năm 2024.
Tăng trưởng GDP giảm tốc tại các nền kinh tế phát triển chủ yếu xuất phát từ đà tăng yếu hơn dự báo của khu vực châu Âu, bất chấp việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng (GDP quý III/2023 của Mỹ tăng 5,2%, vượt Trung Quốc). IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% năm 2023 và 1,5% năm 2024, cao gấp đôi so với dự báo đưa ra cho nền kinh tế Anh nói riêng và cao hơn tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu nói chung.
Sở dĩ có sự cách biệt lớn trong tăng trưởng kinh tế Mỹ và châu Âu bởi một số yếu tố cơ bản mà quan trọng nhất là giá năng lượng. Châu Âu là khu vực chủ yếu nhập khẩu năng lượng, bối cảnh giá năng lượng leo thang bởi xung đột Nga - Ukraine đẩy lạm phát tại khu vực này cao hơn so với Mỹ.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn, từ 4,1% năm 2022 xuống 4% năm 2023 và 2024. Điểm sáng là khu vực châu Á với dự báo tăng trưởng 4,8% năm 2024. Lạm phát tại các thị trường đang phát triển châu Á dự kiến ở mức 3,6% năm 2023 và kỳ vọng giảm xuống 3,5% năm 2024, so với mức 4,4% năm 2022.
Các nền kinh tế giàu có nhất châu Á (tính theo GDP/người) là động lực chính cho tăng trưởng của khu vực, bao gồm Singapore, Qatar, UAE, Đài Loan, Ả Rập Xê Út. Một số nền kinh tế khác tại châu Á, như Việt Nam đang và sẽ có mức tăng trưởng GDP cao hơn mặt bằng chung.
Một yếu tố đáng quan ngại đối với thị trường toàn cầu là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục bộc lộ nhiều điểm yếu liên quan tới thị trường bất động sản, thị trường tiêu dùng và tác động từ việc nhu cầu đối với hàng hoá trên toàn cầu suy giảm. Mặc dù Trung Quốc đã thực thi nhiều nỗ lực hồi phục kinh tế nhưng tăng trưởng vẫn ở mức chậm.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế và tài chính Trung Quốc năm 2024 do Viện Nghiên cứu ngân hàng Trung Quốc công bố ngày 12/12, GDP của nước này dự báo tăng khoảng 5,6% trong quý IV và khoảng 5,3% năm 2023, cao hơn mục tiêu dự kiến cả năm (khoảng 5%).
Dự báo tăng trưởng kinh tế 2023 - 2024 tại các khu vực |
Điểm sáng của đà phục hồi
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu, Chính phủ Ấn Độ vẫn giữ vững phong độ trên hành trình đưa nền kinh tế lên quy mô 5 nghìn tỷ USD năm 2025. IMF dự báo GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,4% năm 2023 và duy trì tốc độ này trong năm 2024.
Đánh giá của IMF cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, lạm phát ở mức vừa phải, việc làm vượt mức trước đại dịch trong khi thâm hụt ngân sách giảm. Đây là kết quả của chính sách kinh tế vĩ mô đúng hướng, bao gồm thúc đẩy đầu tư hạ tầng, mạng lưới kho vận, tăng cường số hoá nền kinh tế. Theo IMF, Ấn Độ chính là điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Với GDP tăng ấn tượng 7,6% trong quý III/2023 và được dự báo tăng trưởng 6,4 - 6,5% năm 2023, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 2 năm qua, trở thành ứng cử viên sáng giá thay thế cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc, từ quy mô dân số, hoạt động sản xuất leo dốc cho tới các chính sách thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Thực tế, khoảng cách giữa 2 nền kinh tế còn khá lớn, khi quy mô kinh tế Ấn Độ khoảng 3,5 nghìn tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với quy mô gần 15 nghìn tỷ USD. IMF dự báo, hai quốc gia này sẽ đóng góp khoảng một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.
Với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, Chính phủ của ông Modi tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế và các tập đoàn toàn cầu. Thêm vào đó, đầu tư vào kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh. Đối với mũi nhọn khoa học công nghệ, Ấn Độ đang sở hữu một số công ty phần mềm lớn nhất thế giới, xây dựng hạ tầng kỹ thuật số. Tháng 8/2023, Ấn Độ gia nhập “câu lạc bộ" các quốc gia đã đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng an toàn, nhấn mạnh tham vọng khoa học và công nghệ của quốc gia này.