Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
UBND tỉnh Nghệ An chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đấu giá đất tại địa phương như: vẫn còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong các phiên đấu giá trực tiếp. Hoạt động của tổ giám sát đấu giá nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa kịp thời phát hiện vi phạm. Một số vi phạm của tổ chức đấu giá, đấu giá viên, người tham gia đấu giá đã bị phát hiện nhưng chưa được xử lý. Tỉnh thừa nhận, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiện tượng tiết lộ thông tin người tham gia đấu giá, tính bảo mật trong đấu giá đất chưa được đảm bảo dẫn đến còn trường hợp người tham gia đấu giá dàn xếp trước khi vào phiên đấu giá. Vẫn còn tình trạng phiếu trả giá của người tham gia đấu giá bị sửa, tẩy xóa; người có tài sản trực tiếp thu hồ sơ, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá…
Tương tự, tại Khánh Hòa, qua rà soát, UBND Tỉnh đánh giá, trong các cuộc đấu giá vẫn tồn tại tình trạng dàn xếp, thỏa thuận trước giữa những người tham gia đấu giá dẫn đến cuộc đấu giá thường không sôi động, tính cạnh tranh chưa cao dù số lượng người tham gia đấu giá đất khá đông. Kết quả trúng đấu giá đa phần chỉ cao hơn mức giá khởi điểm từ 1 - 2 bước giá.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang nêu rõ, trong quá trình tổ chức đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất ở (đất nền riêng lẻ), có hiện tượng “cò đấu giá quyền sử dụng đất”, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tham gia đấu giá…
Bắc Ninh cũng là địa phương có không ít tồn tại trong công tác đấu giá đất. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh ghi nhận các tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đấu giá đất như: tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản chưa bảo đảm tính hợp lý, khách quan, khoa học, thiếu tính cạnh tranh. Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên. Thông tin đấu giá đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng nhiều trường hợp chưa cụ thể, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.
Về nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, đối với các thỏa thuận bên ngoài khu vực đấu giá giữa những người trực tiếp tham gia đấu giá, hiện chưa thể phòng tránh và chưa có chế tài để xử phạt. Ngoài ra, thông tin về đấu giá quyền sử dụng đất chưa được công khai rộng rãi trên các trang thông tin điện tử nên người có nhu cầu sử dụng đất khó tiếp cận. Nhận thức của một bộ phận người dân về pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho “cò đất” hoạt động, thao túng cuộc đấu giá.
UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, cần đổi mới mô hình giám sát theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát công tác đấu giá. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn của cán bộ quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở địa phương.
Từ thực tiễn đấu giá đất tại Bắc Ninh, địa phương này cho rằng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức liên quan.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp với cơ quan công an thực hiện các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá, có biện pháp trấn áp, giải quyết hiện tượng quân xanh - quân đỏ, cò mồi tại các cuộc đấu giá…