Đấu giá tài sản thi hành án cần cơ chế đặc thù

(BĐT) - Mặc dù giá trị của các tài sản thi hành án được định giá có thể rẻ hơn giá thị trường khi thực hiện bán đấu giá, nhưng loại tài sản này trên thực tế vẫn chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của tổ chức đấu giá cũng như người mua. Một trong nhiều nguyên nhân là những rắc rối trong quá trình chuyển giao từ chủ tài sản sang người trúng đấu giá.
Việc đấu giá tài sản thi hành án bị vướng do khó bàn giao tài sản. Ảnh: Lê Tiên
Việc đấu giá tài sản thi hành án bị vướng do khó bàn giao tài sản. Ảnh: Lê Tiên

Thực trạng bán tài sản thi hành án

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 4 năm thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp đã bán được lượng tài sản thi hành án trị giá hơn 3.114 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 272 tỷ đồng. Bộ Tư pháp đánh giá, về cơ bản, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá.

Vẫn theo cơ quan này, giá trị hiệu quả từ việc đấu giá tài sản thi hành án so với tài sản đấu giá thông thường còn ở mức khá chênh lệch. Nguyên nhân là do có những vướng mắc nhất định trong công tác bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Cụ thể, tài sản thi hành án thường khó bán, nhiều trường hợp phải giảm giá, phải tổ chức bán đấu giá lại nhiều lần; tình trạng khiếu kiện kéo dài của công dân liên quan đến việc xử lý tài sản, định giá tài sản. Việc niêm yết, thông báo tài sản đôi khi chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Tài sản sau khi bán đấu giá thành công khó hoặc không bàn giao được. Những điều này dẫn đến tâm lý e ngại của khách hàng khi mua tài sản thi hành án.

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng năm 2016 có đến 11.080 vụ việc đã kê biên và bán đấu giá với số tiền 32 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được. Trong đó, có đến 260 vụ việc bán đấu giá thành công nhưng vẫn chưa bàn giao được. 

E ngại nhất khâu bàn giao

Mới đây, Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt đã gửi đơn “kêu cứu” tới Văn phòng Chính phủ về việc doanh nghiệp này trúng đấu giá tài sản thi hành án là lô đất tại địa chỉ số 357 Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt từ tháng 2/2009 với số tiền trên 37 tỷ đồng, nhưng sau hơn 7 năm, tài sản vẫn chưa được bàn giao. Hiện, tài sản này đang phải chờ kết quả xét xử của Tòa án đối với Chấp hành viên đã có những sai phạm trong việc tổ chức thi hành vụ việc trước rồi mới thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cho biết, nhiều khi dù đã bán đấu giá tài sản thi hành án thành công nhưng bản thân người sở hữu tài sản trước đó vẫn còn ở đó, không chịu bàn giao khiến thủ tục bàn giao rất lằng nhằng, thậm chí phải tiến hành cưỡng chế để thu hồi tài sản. Ngay khi quyết định cưỡng chế để thu hồi thì thủ tục để cưỡng chế cũng phải được thực hiện theo quy định như việc thành lập hội đồng cưỡng chế, cấp nào mới có thẩm quyền để thành lập hội đồng cưỡng chế... “Giá đấu giá của các tài sản thi hành án có thể rẻ hơn giá thực tế trên thị trường nhưng loại tài sản này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý trong việc bàn giao, dẫn tới tâm lý người mua rất e ngại, làm cho tài sản rất khó bán. Có những tài sản phải bán đi bán lại hàng chục lần mà vẫn không tìm được người mua” - ông Hùng chia sẻ.

Một doanh nghiệp bán đấu giá tài sản khá uy tín từng trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, từ trước tới nay doanh nghiệp này không ký bất kỳ hợp đồng bán đấu giá tài sản nào liên quan đến tài sản thi hành án vì thủ tục “quá lằng nhằng”.

Theo nhóm nghiên cứu của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, cần có những quy định riêng, đặc thù cho việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự. Điều này xuất phát từ những quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, đặc điểm đặc trưng của tài sản. Không nên có quy định chung thủ tục bán đấu giá cưỡng bức (như trong thi hành án dân sự) với việc bán đấu giá tài sản tự nguyện như tài sản thông thường khác.

Hiện, trong quy định tại Điều 53 của Luật Đấu giá tài sản, tài sản thi hành án quy định khá chung: hình thức đấu giá theo thủ tục rút gọn đối với đấu giá tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu mà giá khởi điểm của tất cả tài sản đấu giá trong một cuộc đấu giá dưới năm mươi triệu đồng. Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu từ nhiều tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, vấn đề mấu chốt trong đấu giá tài sản thi hành án là cần tháo gỡ nút thắt trong bàn giao tài sản giữa chủ tài sản và người trúng đấu giá.

Tin cùng chuyên mục