Đấu giá vật tư thu hồi Dự án mở rộng hầm Hải Vân: Thấy gì từ hành vi trả giá cao rồi rút lại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quá trình tổ chức bán đấu giá trực tuyến vật tư thu hồi khi thực hiện Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 Gói thầu HV2-XL10 và Gói thầu HV2-XL11, khách hàng tham gia đấu giá trả giá cao “bất thường” ngay từ đầu khiến giá đấu giá bị đẩy lên cao, các khách hàng khác khó cạnh tranh. Sự việc gây bức xúc khi người trả giá cao bất ngờ rút lại giá đã trả vào những giây cuối cùng của cuộc đấu giá khiến nhiều khách hàng “trở tay không kịp”.
Cuộc đấu giá trực tuyến vật tư thu hồi khi thực hiện Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 kết thúc với giá trúng đấu giá 14,556 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NC st
Cuộc đấu giá trực tuyến vật tư thu hồi khi thực hiện Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 kết thúc với giá trúng đấu giá 14,556 tỷ đồng. Ảnh minh họa: NC st

Từ 14h00 đến 15h00 ngày 12/7/2024, Công ty Đấu giá hợp danh (ĐGHD) Đấu giá Việt Nam tổ chức bán đấu giá trực tuyến tài sản nêu trên với giá khởi điểm 11.496.826.000 đồng. Người có tài sản là Khu Quản lý đường bộ III.

Sau 30 giây kể từ khi bắt đầu, cuộc đấu giá ghi nhận 1 khách hàng trả giá với mức 43.496.826.000 đồng, chênh 3.200 bước giá (10.000.000 đồng/bước giá) so với giá khởi điểm. Sau đó, một khách hàng khác trả giá với mức 43.506.826.000 đồng. Tới 14:59:10 và 14:59:57, 2 khách hàng nêu trên lần lượt rút lại giá đã trả. Chỉ vài giây sau, cuộc đấu giá kết thúc với giá trúng đấu giá 14,556 tỷ đồng.

Theo quy chế đấu giá, cuộc đấu giá trực tuyến kéo dài trong 1 giờ, nhưng thời gian thực tế trả giá của khách hàng tham gia đấu giá chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1 phút. Bức xúc với diễn biến tại cuộc đấu giá, một số khách hàng đã phản ánh, gửi đơn tố cáo sự việc nêu trên là hành vi cố tình phá rối cuộc đấu giá, cản trở các khách hàng khác tham gia đấu giá, thậm chí đặt ra nghi vấn về quy trình kỹ thuật của trang đấu giá trực tuyến. Các khách hàng này cho rằng, sự phá rối của một bộ phận khách hàng đã ảnh hưởng tới sự công bằng, minh bạch, kết quả của cuộc đấu giá và gây thiệt hại cho người có tài sản nhiều tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Giám đốc Công ty ĐGHD Đấu giá Việt Nam cho biết, hệ thống đấu giá trực tuyến của Công ty có 2 modul trả giá riêng biệt. Theo đó, modul thứ nhất tiến hành trả giá theo cách thức cộng/trừ bước giá tự động để giúp khách hàng không phải tính toán bước giá hợp lệ mà chỉ cần click chuột vào nút cộng/trừ bước giá cho đến mức giá mong muốn rồi nhấn nút “đấu giá”. Modul thứ 2 là trả giá thủ công, khách hàng nhập trực tiếp giá trả của mình vào khung trả giá mà không mất thời gian ấn nút cộng/trừ bước giá.

Bà Giang nêu quan điểm, việc khách hàng trả giá cao rồi rút lại giá đã trả không phải là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến bản chất cuộc đấu giá do khách hàng thường thực hiện thao tác trả giá dứt điểm giá mong muốn ở thời khắc cuối của cuộc đấu giá.

Trước nghi vấn “trả giá cao rồi rút lại giá đã trả” với mục đích không chính đáng, cố tình phá rối cuộc đấu giá, bà Giang từ chối bình luận và kiến nghị cơ quan lập pháp điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng cho phép thực hiện chế tài không trả lại tiền đặt trước đối với người rút lại giá đã trả trong quá trình đấu giá trực tuyến.

Theo biên bản cuộc đấu giá trực tuyến, có 23 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá. Công ty CP Môi trường Việt Úc (địa chỉ tại Quận 11, TP.HCM) trúng đấu giá tài sản nêu trên với giá 14,556 tỷ đồng. Theo cán bộ của Khu Quản lý đường bộ III, người có tài sản và Công ty CP Môi trường Việt Úc đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vào ngày 23/7/2024.

Biên bản cuộc đấu giá ghi nhận 2 khách hàng rút lại giá đã trả, gồm: Công ty TNHH Môi trường Ngân Anh (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) rút lại giá đã trả (43,506 tỷ đồng) tại thời điểm 14:59:10. Công ty TNHH Công nghệ môi trường Bình Phước Xanh (phường Hưng Long, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước) rút lại giá đã trả (43,496 tỷ đồng) tại thời điểm 14:59:57.

Về phía người có tài sản, Khu Quản lý đường bộ III cho biết, đã cử cán bộ theo dõi cuộc đấu giá tại trang điện tử đấu giá trực tuyến theo tài khoản mà Công ty ĐGHD Đấu giá Việt Nam cung cấp. Sau khi nhận kiến nghị, tố cáo của khách hàng tham gia đấu giá, Khu Quản lý đường bộ III đã có văn bản đề nghị Công ty ĐGHD Đấu giá Việt Nam tạm dừng triển khai thủ tục ký hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá và rà soát kết quả để phản hồi tới các bên liên quan. Khu Quản lý đường bộ III cũng có Văn bản số 1777/KQLĐBIII-KHTC ngày 18/7/2024 đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội (đơn vị thẩm định và phê duyệt đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến của Công ty ĐGHD Đấu giá Việt Nam) xác minh kiến nghị về tổ chức đấu giá. Đến nay, Khu Quản lý đường bộ III chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Tư pháp Hà Nội.

Theo chuyên gia đấu giá, điểm d khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) quy định, trường hợp người tham gia đấu giá rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 Luật này thì không được nhận lại tiền đặt trước. Khoản 4 Điều 50 Luật ĐGTS nêu rõ, người rút lại giá đã trả hoặc rút lại giá đã chấp nhận bị truất quyền tham gia cuộc đấu giá. Tuy nhiên, Điều 50 không có nội dung nào đề cập đến đấu giá trực tuyến.

Tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS, Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 62/2017/NĐ-CP cũng không có quy định về việc người đã trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Do đó, chuyên gia đấu giá cho rằng, không có cơ sở pháp lý để thu khoản tiền đặt trước của khách hàng tham gia đấu giá trực tuyến trong trường hợp rút lại giá đã trả. Đây chính là kẽ hở pháp lý mà người tham gia đấu giá có thể lợi dụng dẫn đến nguy cơ phá rối cuộc đấu giá vì mục đích cá nhân.

Tin cùng chuyên mục