Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu của nước này tăng tuần thứ hai liên tục.
Theo tin từ trang MarketWatch, gây áp lực giảm lên giá "vàng đen" phiên này còn có thông tin nói rằng Saudi Arabia đã khôi phục gần như toàn bộ phần sản lượng dầu mất mát trong vụ tấn công vào cơ sở dầu lửa cách đây ít lâu.
Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) thuộc Bộ Năng lượng nước này cho thấy tồn kho thương mại dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 20/9 tăng thêm 2,4 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 190.000 thùng mà giới phân ích đưa ra trước đó.
Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần tăng thêm 100.000 thùng/ngày, tái lập mốc kỷ lục 12,5 triệu thùng/ngày.
Áp lực từ báo cáo này khiến giá dầu WTI giao tháng 11 tại thị trường New York chốt phiên với mức giảm 0,8 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 56,49 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11 hạ 0,71 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 62,39 USD/thùng.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Saudi Arabia đã nâng công suất khai thác dầu lên mức 11,3 triệu thùng/ngày, một sự phục hồi rất nhanh chóng sau vụ tấn công hôm 14/9 khiến nước này mất 5 triệu thùng dầu trong sản lượng hàng ngày. Ngoài ra, con số này cũng vượt xa sản lượng 9,9 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 8.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về những con số trên, xét tới mức độ thiệt hại lớn mà vụ tấn công đã gây ra cho cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia. Một số chuyên gia đánh giá rằng Saudi Arabia phải mất vài tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn sản lượng dầu.
Đã có những ý kiến cho rằng Saudi Arabia đang "tung" những thông tin không chính xác để trấn an nhà đầu tư trong quá trình hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco chuẩn bị cho phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính ở thời điểm hiện tại cũng là nhân tố gây sức ép giảm giá dầu. Đảng Dân chủ đang tiếp tục nỗ lực nhằm đưa Tổng thống Donald Trump ra luận tội, trong khi còn nhiều bấp bênh xung quanh vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 10.
Trong phiên ngày thứ Tư, nhiều nhà đầu tư ngại rủi ro đã mua vào đồng USD như một biện pháp bảo toàn giá trị tài sản. Điều này khiến đồng bạc xanh tăng giá, gây thêm áp lực giảm giá lên dầu bởi hàng hóa này được định giá bằng USD.
Giằng co là xu hướng chính của giá dầu thế giới những tháng gần đây, khi giá năng lượng một mặt chịu áp lực giảm từ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi do kinh tế toàn cầu giảm tốc vì thương chiến, mặt khác được hỗ trợ bởi nỗ lực hạn chế khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, cũng như bất ổn địa chính trị ở Vùng Vịnh. Điều này giữ cho giá dầu WTI dao động quanh 50 USD/thùng và giá dầu Brent quanh 60 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng giá dầu khó thiết lập được một xu hướng rõ ràng chừng nào còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố trái chiều như vậy.