“Đầu tàu” Đông Nam Bộ khó cán đích giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu về thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách (NSNN) ước đến cuối tháng 10/2022 vừa được Bộ Tài chính báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho thấy, các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ còn một lượng vốn rất lớn cần được giải ngân. Trong khi đó, thời gian còn lại của năm 2022 rất hữu hạn, “đầu tàu” Đông Nam Bộ khó cán đích mục tiêu giải ngân hết vốn đầu tư công.
Tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chưa thanh toán của khu vực Đông Nam Bộ là khoảng hơn 70.307 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm
Tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chưa thanh toán của khu vực Đông Nam Bộ là khoảng hơn 70.307 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm

Theo số liệu của Bộ Tài chính về ước thanh toán vốn NSNN kế hoạch năm 2022 sau 10 tháng, trong 6 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ chỉ có 2 địa phương đứng ở nhóm trên gồm Tây Ninh (71,61%), Đồng Nai (59,9%); 3 địa phương trong nhóm trung bình gồm Bình Phước (50,21%), Bình Dương (50,09%), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,15%).

Đáng chú ý là TP.HCM, hạt nhân của vùng động lực này, có tỷ lệ thanh toán vốn ước 10 tháng thấp hơn nhiều tỷ lệ trung bình của cả nước (45,89%). Năm 2022, tổng vốn kế hoạch của TP.HCM là 60.131 tỷ đồng, trong đó 5.863 tỷ đồng kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang và 54.268 tỷ đồng vốn giao kế hoạch năm 2022. Lũy kế thanh toán vốn của Thành phố đến hết tháng 9/2022 chỉ vỏn vẹn 10.913 tỷ đồng và ước 10 tháng năm 2022 là 16.556 tỷ đồng (đạt 27,53%).

Điểm chi tiết tình hình thanh toán vốn các địa phương khác, có thể thấy, tại Tây Ninh tổng kế hoạch vốn của Tỉnh là hơn 4.619 tỷ đồng. Hết tháng 9/2022, tỉnh này thanh toán được khoảng 2.642 tỷ đồng (đạt 61,53%). Nhưng chỉ trong tháng 10, Tây Ninh đã nâng tổng vốn ước thanh toán lên hơn 3.308 tỷ đồng, đạt 71,61% so với tổng kế hoạch. Tỉnh Đồng Nai có tổng vốn kế hoạch 13.650 tỷ đồng (trong đó vốn kéo dài hơn 4.132 tỷ đồng); tới hết tháng 9, số vốn đã thanh toán là 6.811 tỷ đồng (đạt 49,90%) và ước 10 tháng là 7.901 tỷ đồng (đạt 57,88%). Quy mô tổng vốn kế hoạch tỉnh Bình Phước là 9.050 tỷ đồng, thanh toán vốn tới hết tháng 9 là 3.743 tỷ đồng (đạt 41,36%) và ước tháng 10 là 4.513 tỷ đồng (đạt 49,87%). Đối với Bình Dương, tổng kế hoạch vốn năm 2022 của Tỉnh là 12.625 tỷ đồng (bao gồm 3.633 vốn kéo dài sang) và kết quả thanh toán vốn tháng 9, ước tháng 10 lần lượt là 4.001 tỷ đồng (đạt 31,69%) và 4.981 tỷ đồng (đạt 39,46%) so với tổng kế hoạch. Năm 2022, tổng vốn kế hoạch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 14.436 tỷ đồng, trong đó vốn năm trước kéo dài sang là 946,4 tỷ đồng. Tới ngày 30/9, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thanh toán vốn NSNN với số tiền 5.556 tỷ đồng (đạt 38,49%) và ước hết tháng 10/2022 thanh toán 6.956 tỷ đồng (đạt 48,11%).

Hiện tổng vốn đầu tư NSNN chưa thanh toán của khu vực Đông Nam Bộ là khoảng hơn 70.307 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM là 43.575 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 7.491 tỷ đồng, Bình Dương 7.644 tỷ đồng, Bình Phước 4.537 tỷ đồng, Đồng Nai 5.749 tỷ đồng và Tây Ninh 1.311 tỷ đồng. Theo quan sát của phóng viên, cả 6 địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công. Cụ thể, điểm khó ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; chất lượng khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án; giá cả vật liệu tăng mạnh; công tác nghiệm thu, thanh toán…

Từ đầu năm, chính quyền 6 địa phương đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Công điện số 126/CĐ-TTg về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và mới nhất là Nghị quyết số 124/NQ-CP (ngày 15/9/2022), Chỉ thị số 19/CT-TTg (ngày 17/9/2022) về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương giải ngân đầu tư công. Hiện các địa phương đang tích cực điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo hướng tăng dòng vốn vào các dự án trọng điểm, hấp thụ vốn tốt và điều chuyển giảm vốn cho dự án có khả năng hấp thụ kém để nâng cao tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn nước rút.

Tuy vậy, nếu chưa tìm ra giải pháp đột phá, tháo gỡ những vướng mắc có tính chất “thâm căn”, đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ rất có thể hụt hơi trong giai đoạn nước rút giải ngân đầu tư công cuối năm. Cần nhìn nhận rằng, với mục tiêu giải ngân vốn trên 95% tổng vốn kế hoạch năm 2022, trong 2 tháng còn lại, khối lượng công việc đặt ra cho chính quyền 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ là rất nặng nề và nguy cơ không thể hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đang hiện hữu.

Tin cùng chuyên mục