Đấu thầu lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Bối rối thực thi vì thiếu hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 1/8/2024, việc lựa chọn đơn vị, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Khảo sát sơ bộ cho thấy, giá dự thầu, trúng thầu của nhiều tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) thấp hơn nhiều so với giá gói thầu.
Thời gian qua, nhiều gói thầu lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Ảnh: Nhã Chi
Thời gian qua, nhiều gói thầu lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Ảnh: Nhã Chi

Có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn được nhà thầu với chi phí (giá trúng thầu) thấp chưa chắc đã phản ánh được hiệu quả, giá trị mà dịch vụ đấu giá mang lại, nguy cơ phát sinh một số tiêu cực, thiếu công bằng khi chưa có hướng dẫn cụ thể.

Giá dự thầu, trúng thầu thấp bất ngờ

Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp TP. Bắc Giang vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Tổ chức đấu giá QSDĐ ở (355 lô) thuộc các xã: Đồng Sơn, Song Mai, Song Khê. Đây là gói thầu thuộc lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn, hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, loại hợp đồng theo kết quả đầu ra. Kết quả, Công ty Đấu giá hợp danh DHL trúng thầu với giá 30,149 triệu đồng, tương ứng 6,8% giá gói thầu (440 triệu đồng).

Sau khi kết quả được công bố, một nhà thầu tham dự Gói thầu đã kiến nghị làm rõ giá trúng thầu này vì cho rằng, mức giá khoảng 30 triệu đồng để tổ chức đấu giá 355 lô đất là phi thực tế. Ngoài ra, do giá đề nghị trúng thầu của Công ty Đấu giá hợp danh DHL thấp hơn 50% giá gói thầu nên theo quy định, Bên mời thầu phải báo cáo Chủ đầu tư để xử lý tình huống trong đấu thầu, yêu cầu nhà thầu làm rõ các yếu tố cấu thành chi phí chào thầu, xem xét các bằng chứng liên quan...

Mở rộng khảo sát cho thấy, một số gói thầu lựa chọn TCĐGTS cũng ghi nhận giá dự thầu, trúng thầu thấp hơn rất nhiều so với giá gói thầu. Đơn cử, ngày 4/11/2024, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính tỉnh Lào Cai mở thầu Gói thầu Lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá QSDĐ đối với 120 thửa đất tại phường Bình Minh, TP. Lào Cai. Giá gói thầu là 446,486 triệu đồng, có 4 nhà thầu tham dự. Theo biên bản mở thầu, Công ty Đấu giá hợp danh DVL có giá dự thầu thấp nhất 37,37 triệu đồng (tương ứng 8,3% giá gói thầu); Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú có giá dự thầu 38,87 triệu đồng...

Ngày 2/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện Tân Yên (Bắc Giang) công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Tổ chức cuộc bán đấu giá QSDĐ đối với 30 ô, lô (thửa) đất ở tại hạ tầng dân cư Vàng Mới (cạnh Trường THCS thị trấn Cao Thượng); khu đô thị Đồng Chủ, Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Giá gói thầu là 440 triệu đồng, Công ty Đấu giá hợp danh Đại Dương Group trúng thầu với giá 10 triệu đồng (tương ứng 2,2% giá gói thầu).

Ngày 28/10/2024, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính tỉnh Lào Cai công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá QSDĐ đối với 135 thửa đất tại phường Bình Minh, phường Bắc Lệnh và phường Nam Cường, TP. Lào Cai. Giá gói thầu là 446,486 triệu đồng, Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú trúng thầu với giá 6,485 triệu đồng (tương ứng 1,4% giá gói thầu).

Theo lãnh đạo một công ty đấu giá tài sản, việc tổ chức đấu giá QSDĐ thường thu hút một lượng khách hàng lớn, có khi lên đến hàng nghìn người, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí. Do đó, vị lãnh đạo trên bày tỏ sự khó hiểu với phương án tính toán chi phí thực tế, lợi nhuận tổ chức các cuộc đấu giá hàng trăm lô đất với mức chi phí thấp như trên.

Bối rối thực thi pháp luật

Theo quy định tại khoản 7 Điều 55 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá QSDĐ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Thời gian qua, nhiều gói thầu lựa chọn TCĐGTS được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là gói thầu thuộc lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn.

Theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để thực thi quy định tại khoản 7 Điều 55 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP. Trên thực tế, còn có ý kiến khác nhau về việc “dịch vụ đấu giá tài sản” được xác định là dịch vụ tư vấn hay phi tư vấn (quy định tại khoản 4 hay khoản 5 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023). Trong khi việc xác định dịch vụ tư vấn hay phi tư vấn có ý nghĩa quan trọng trong phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một bên mời thầu của gói thầu lựa chọn TCĐGTS tại Bắc Giang chia sẻ, nếu áp dụng như dịch vụ phi tư vấn (theo Điều 58 Luật Đấu thầu 2023) thì có 3 phương pháp đánh giá HSDT gồm: phương pháp giá thấp nhất; phương pháp giá đánh giá; phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn TCĐGTS trong trường hợp này được áp dụng theo phương thức giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá, bởi phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá được áp dụng đối với gói thầu công nghệ thông tin, viễn thông, bảo hiểm; gói thầu hàng hóa, xây lắp có đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao… Khoản 4 Điều 58 Luật Đấu thầu 2023 quy định, đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt.

Trong khi đó, nếu áp dụng như dịch vụ tư vấn (Điều 59 Luật Đấu thầu năm 2023) thì có 4 phương pháp đánh giá gồm: phương pháp giá thấp nhất; phương pháp giá cố định; phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; phương pháp dựa trên kỹ thuật. Nếu việc lựa chọn TCĐGTS được áp dụng theo phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá sẽ phù hợp hơn vì chú trọng tới cả chất lượng và chi phí thực hiện gói thầu; điểm tổng hợp sẽ được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm kỹ thuật và điểm giá. Khi xây dựng điểm tổng hợp sẽ bảo đảm nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 70% đến 80%, điểm về giá từ 20% đến 30% tổng số điểm. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất, khi đó việc chào giá thấp nhưng điểm kỹ thuật không đảm bảo thì vẫn không được lựa chọn.

Theo bà Hạnh, thực tế hiện nay, nếu đánh giá năng lực, kinh nghiệm của các TCĐGTS theo tiêu chí đạt/không đạt thì hầu hết các TCĐGTS đều đáp ứng ở mức đạt, sau đó chỉ còn căn cứ vào giá dự thầu thấp để lựa chọn TCĐGTS. Giá dự thầu thấp nhưng không có căn cứ để xác định mức giá thấp này có đảm bảo việc TCĐGTS khả thi, mang lại hiệu quả cho ngân sách nhà nước hay không, nguy cơ dẫn đến hệ lụy xấu cho công tác này.

Bà Hạnh dẫn chứng, nếu TCĐGTS bù lỗ hoặc làm không có lãi để mong có công ăn việc làm thì việc bù lỗ qua 1 - 2 gói thầu cũng sẽ ảnh hưởng tới năng lực tài chính của tổ chức đấu giá, tiềm ẩn hệ lụy sau trúng thầu, TCĐGTS có nguy cơ “bắt tay” với người tham gia đấu giá, người có tài sản để làm một số việc không đúng quy định pháp luật để mang lại giá trị kinh tế nào đó.

Do đó, bà Hạnh đề xuất, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định lĩnh vực dịch vụ tư vấn/phi tư vấn đối với dịch vụ ĐGTS đảm bảo phù hợp với tính chất của dịch vụ này. Có thể cân nhắc việc áp dụng song song cả quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật đấu giá đối với việc lựa chọn TCĐGTS thực hiện bán đấu giá QSDĐ. Đơn cử, có thể lựa chọn TCĐGTS theo quy định của pháp luật đấu thầu nhưng áp dụng các tiêu chí lựa chọn TCĐGTS của pháp luật đấu giá (chấm điểm các tiêu chí theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP) để hạn chế tình trạng chọn TCĐGTS theo mức thù lao thấp.

Bà Hạnh cho biết, Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội về vấn đề này để kịp thời hướng dẫn xử lý.

Tin cùng chuyên mục