Dầu thô sụt giảm trước cuộc họp quan trọng của OPEC+

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (1/3), trước thềm một cuộc họp quan trọng của liên minh OPEC+...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (1/3), trước thềm một cuộc họp quan trọng của liên minh OPEC+ trong tuần này. Thị trường cho rằng với nguồn cung dầu đang thắt lại nhanh chóng, OPEC+ có thể đi đến một quyết định nới sản lượng khai thác.

Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của giá dầu, đưa giá nhiên liệu này về mức thấp nhất trong hơn 1 tuần. Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác ngoài khối gồm Nga sẽ nhóm họp vào ngày thứ Năm.

Trong 2 tháng đầu năm, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 30%, đánh dấu sự khởi đầu một năm tốt chưa từng thấy, trên cơ sở những dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sắp tới sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung do kinh tế hồi phục mạnh nhờ vaccine Covid-19. Các nhà đầu tư tin rằng với tốc độ tăng giá như vậy của dầu, OPEC+ trong lần họp này sẽ đi đến một quyết định co hẹp mức hạn chế sản lượng mà nhóm đang áp dụng - nói cách khác sẽ khai thác nhiều dầu hơn so với mức hiện tại.

Tuy nhiên, hành động của OPEC+ trong cuộc họp ngày 4/3 vẫn còn là một ẩn số. Có thể nhóm sẽ nới sản lượng, nhưng nới bao nhiêu lại là một vấn đề quan trọng. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia đã lên tiếng kêu gọi các nước sản xuất dầu giữ vững "thận trọng cao độ".

"Giá dầu đã hồi trở lại vùng 60 USD/thùng, nên OPEC+ sẽ phải rút dần khỏi chính sách hạn chế sản lượng", nhà phân tích Stewart Glickman thuộc CFRA Research nói với hãng tin Reuters. "Câu hỏi đặt ra là họ sẽ nâng sản lượng lên bao nhiêu. Rủi ro lớn nhất nằm ở chỗ là thị trường đang dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong năm nay và rồi dự báo đó lại không trở thành hiện thực".

Dù vậy, các tổ chức dự báo gần đây đã đưa ra một loạt nhận định cho rằng giá dầu sẽ duy trì đà tăng vì phản ứng nâng sản lượng của các nước xuất khẩu dầu sẽ không theo kịp tốc độ tăng của nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đang vững lên. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, lên mức 8,76 triệu thùng/ngày, tương đương với mức tiêu thụ vào tháng 3/2020 - thời điểm trước khi Covid-19 trở thành đại dịch, theo dữ liệu từ Descartes Labs.

"Mọi người đã trở nên rất tin tưởng vào khả năng của OPEC+ trong việc đưa thị trường dầu trở lại trạng thái cân bằng" - ông Michael Lynch, Chủ tịch Strategic Energy & Economic Research, nhận định. Ông Lynch cho rằng thị trường sẽ tiếp tục "chứng kiến sự khởi sắc của nhu cầu trong thời gian tới, và OPEC+ sẽ không khiến thị trường bị dư cung dù có nâng sản lượng trở lại".

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 4 tại New York giảm 0,86 USD/thùng, còn 60,64 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5 tại London hạ 0,73 USD/thùng, còn 63,69 USD/thùng.

Hiện OPEC+ đang áp dụng mức cắt giảm sản lượng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung dầu toàn cầu. Nỗ lực này đã khiến lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm nhanh.

Trong cuộc họp tới, OPEC+ có thể tính đến phương án đưa 500.000 thùng/ngày trở lại sản lượng khai thác, và Saudi Arabia có thể khôi phục 1 triệu thùng/ngày mà nước này đang cắt giảm tự nguyện.

Citigroup cho rằng OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng tới, so so với mức hiện tại, và Saudi Arabia sẽ ngừng việc tự nguyện cắt giảm sản lượng.

"Môi trường giá dầu cao lên, bức tranh nhu cầu đầy hứa hẹn trước khi bước vào mùa hè, và triển vọng phục hồi sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2021 sẽ mang lại cho OPEC+ niềm tin để nâng nhẹ sản lượng", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhận định.

Tin cùng chuyên mục