Đấu trường thể thao 2024: Chờ những khoảnh khắc người Việt tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bốn năm một lần, đấu trường Olympic luôn là đích hướng tới của các nền thể thao. Với Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam mong chờ những phút giây xuất thần. Tiếp nối Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Xuân Vinh, là niềm mong mỏi thêm những người Việt Nam đứng trên bục nhận huy chương, tiếp tục hiện thực hóa “chu kỳ 8 năm” tại đại hội thể thao danh giá nhất thế giới.
Nguyễn Thùy Linh là niềm hy vọng số 1 của cầu lông nữ Việt Nam
Nguyễn Thùy Linh là niềm hy vọng số 1 của cầu lông nữ Việt Nam

Những sắc màu của 2023

Năm 2023 khép lại với một số “cung thăng” nhưng cũng còn đó không ít “gam trầm” của thể thao nước nhà. Tại đấu trường khu vực, lần đầu tiên Việt Nam giành vị trí quán quân khi không là nước chủ nhà của SEA Games. Con số 136 huy chương vàng (HCV) trên đất Campuchia, bỏ xa đối thủ xếp sau là Thái Lan 28 HCV, có thể hơn chục năm trước với chúng ta là một kỳ tích. Tuy nhiên…

Chỉ hơn 4 tháng sau, hào quang SEA Games phai nhạt bởi một đấu trường lớn hơn - Asiad 19. Tại giải đấu lớn nhất châu lục, phải nhờ đến khoảnh khắc xuất thần của xạ thủ Phạm Quang Huy, thể thao Việt Nam mới hoàn thành chỉ tiêu khiêm tốn 3 HCV, đứng ngoài Top 20. Đáng nói hơn, thành tích của chúng ta tại Asiad 19 chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Điều này chỉ ra, trong khi các nền thể thao hàng đầu trong khối ASEAN đã hướng trọng tâm vào các môn thế mạnh, các vận động viên tiềm năng nhằm tranh tài ở Á vận hội thì dường như Việt Nam vẫn mải mê “gặt hái” huy chương tại “ao làng” SEA Games.

Ở môn thể thao vua, trong khi các cô gái Việt Nam lần đầu sải bước trên sân chơi World Cup và để lại ít nhiều ấn tượng về tinh thần quả cảm, tận hiến vì màu cờ sắc áo, thì bóng đá nam là một gam trầm. Đội tuyển U23 chỉ xếp hạng 3 SEA Games 32 sau cú đúp vô địch tại 2 đại hội trước đó. Khép lại chu kỳ thành công 5 năm của triều đại HLV Park Hang Seo, người Việt Nam liệu có phải làm quen với “đồ thị hình Sin” của môn thể thao vua khi mà thế hệ vàng đã không còn như xưa, trong khi các ngôi sao trẻ chưa xuất hiện?

“Những ngôi sao cô đơn”

Điểm lại những thành công và hạn chế của thể thao Việt Nam năm 2023, không thể bỏ quên “những ngôi sao cô đơn”. Họ là những người dám bước ra khỏi vùng an toàn, đem tài năng thi thố ở các đấu trường lớn, dù kết quả không phải bao giờ cũng là màu hồng.

Ở môn thể thao vua, hành trình xuất ngoại của các cầu thủ Việt là những gam trầm khi năm 2023 khép lại. Quang Hải rời Pau FC với dấu ấn duy nhất là một bàn thắng. Ảm đạm hơn, Công Phượng bị lãng quên tại CLB Nhật Bản Yokohama. Giống như Quang Hải, Văn Toàn rời CLB Seoul E-Land (Hàn Quốc) về nước khi dường như K-Leuage 2 vẫn là sân chơi quá tầm. Riêng nữ cầu thủ Huỳnh Như bền bỉ trụ lại Bồ Đào Nha, dù CLB Lank FC của chị đang đứng cuối bảng xếp hạng.

Ở môn thể thao thu hút nhiều kỳ vọng là quần vợt, ước mơ lần đầu thấy một người Việt Nam thi đấu ở một giải Grand Slam (dù là vòng loại) tưởng có lúc rất gần, rốt cục đã không diễn ra. Lý Hoàng Nam khép lại một năm đáng quên với sự tụt dốc về cảm hứng, phong độ. Từ thứ hạng 244 ATP ngày đầu năm, anh hiện đã đứng ngoài Top 500 ATP. Phía sau Hoàng Nam, quần vợt đỉnh cao Việt Nam vẫn là một khoảng trống mênh mông.

Ở chiều ngược lại, dù không quá thăng hoa nhưng nhìn chung, năm 2023, siêu đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm vẫn khẳng định được đẳng cấp. Thành tích hạng ba tốt nhất từ trước tới nay tại một giải Grand Chess Tour cho thấy kỳ thủ thứ 21 cờ tiêu chuẩn thế giới vẫn đủ khả năng cạnh tranh với các kỳ thủ nhóm đầu.

Điểm sáng nổi bật đến từ sự bứt phá ngoạn mục của “hot girl cầu lông” Nguyễn Thùy Linh. Từ vị trí thứ 50, cô vươn lên vị trí 20 thế giới. Hiện Thùy Linh xếp thứ 14 trong bảng hạt giống các tay vợt cầu lông nữ tại Olympic Paris 2024. Năm qua, Thùy Linh làm nức lòng người hâm mộ bằng 3 trận thắng các đối thủ Top 10 thế giới, tiến sâu tại nhiều giải lớn.

Ở bộ môn bóng chuyền, nữ chủ công Thanh Thúy vẫn là gương mặt hiếm hoi đạt đẳng cấp châu lục. Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam liên tục tỏa sáng trong màu áo PFU Blue Cats ở giải nhà nghề Nhật Bản. Trong màu áo đội tuyển, Thanh Thúy giúp Việt Nam lần thứ hai giành hạng 4 châu lục với chiến thắng vang dội trước nữ Hàn Quốc.

Cũng cần kể thêm thành công của billiards Việt Nam năm qua, dù đây là môn thể thao ít tính đại chúng. Năm 2023, Bao Phương Vinh làm nên kỳ tích khi vô địch carom 3 băng thế giới ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành cơ thủ Việt Nam đầu tiên vô địch một giải đấu tầm cỡ thế giới tại đấu trường châu Âu.

Liệu có “chu kỳ 8 năm”?

Bước vào năm 2024, thể thao toàn cầu có một sự kiện lớn nhất là Olympic Paris. Dù với Việt Nam, Olympic là sân chơi quá tầm, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng.

Tại Olympic Sydney 2000, khi Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc (HCB) Taekwondo, các hãng truyền thông hàng đầu thế giới đồng loạt đăng ảnh cô gái gốc Phú Yên với lá cờ đỏ sao vàng tung bay, kèm dòng chữ: Người Việt Nam đầu tiên giành huy chương Olympic. Điều đó để thấy, việc giành huy chương ở đấu trường lớn nhất thế giới khó khăn và vinh dự tới chừng nào.

Phải tới 8 năm sau, tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn mới lặp lại kỳ tích nói trên. Và cũng phải 8 năm sau, tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016, thể thao Việt Nam mới đứng trên bục cao nhất với thành tích rực rỡ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, 1 HCV tại nội dung 10m súng ngắn hơi nam và xác lập kỷ lục Olympic mới, 1 HCB nội dung 50m súng ngắn.

Một sự trùng hợp kỳ lạ là xen giữa các kỳ Olympic thể thao Việt Nam có huy chương, chúng ta đều không thành công, dù có lúc huy chương tưởng đã rất gần với bắn súng (2012) và cử tạ (2020). Tại Olympic Paris 2024, “chu kỳ 8 năm” của thể thao Việt Nam có lặp lại?

Tính đến những ngày đầu năm mới, số lượng vận động viên Việt Nam giành vé đến Olympic Paris chưa nhiều. Có thể kể đến Nguyễn Thị Thật (xe đạp nữ), Trịnh Thu Vinh (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông)… Kỳ vọng những môn thể thao Việt Nam có thể giành thêm vé tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh là đua thuyền, taekwondo, boxing, rowing...

Vẫn biết Olympic là đấu trường danh giá, việc giành huy chương không chỉ là thách thức cực đỉnh với Việt Nam mà rất nhiều quốc gia, nhưng biết đâu, trong một ngày thăng hoa, một giây phút xuất thần, những Thùy Linh, Nguyễn Thị Thật, Trịnh Thu Vinh hay một vận động viên nào đó sẽ giúp bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam bừng sáng.

Tin cùng chuyên mục