Đầu tư công mở lối cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn 1, giai đoạn 2 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang băng băng về đích. Nguồn việc dồi dào từ các dự án hạ tầng giao thông lớn đã bắt đầu mang lại quả ngọt cho nhiều doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Theo thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 của 11 doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết đạt 33.310,8 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 93%, đạt 2.399,6 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả dự kiến lãi ròng 454 tỷ đồng năm 2024, tăng 25% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả dự kiến lãi ròng 454 tỷ đồng năm 2024, tăng 25% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giao thông vận tải, sản lượng thực hiện 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 58.721 tỷ đồng, bằng 60,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tính riêng năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã giải ngân được 28.967/36.228 tỷ đồng, đạt khoảng 79% kế hoạch. Một số dự án thành phần có sản lượng và tiến độ thi công tốt như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang. Một số dự án sản lượng thực hiện còn thấp do mới được bàn giao đủ mặt bằng, điều kiện thời tiết bất lợi (Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), hoặc mới cơ bản xác định đủ nguồn cung vật liệu đắp nền đường (Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau).

Là nhà thầu đảm nhiệm nhiều gói thầu hạ tầng lớn, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm nay. Doanh thu hợp nhất đạt 8.139 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 765,5 tỷ đồng, gấp 3,75 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 80% so với kế hoạch năm. Vinaconex cũng là nhà thầu có doanh thu và lợi nhuận cao nhất toàn ngành.

Hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, đầu tư tài chính, xây lắp nhưng với các công trình dân dụng, hạ tầng lớn ngành giao thông, Vinaconex luôn chứng minh được tên tuổi và vị thế hàng đầu. Vinaconex đã tham gia 5 gói thầu giai đoạn 1 của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) với tổng giá trị 10.400 tỷ đồng và 13.300 tỷ đồng cho 3 gói thầu trong giai đoạn 2 (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng). Vinaconex cũng giành được hợp đồng trị giá 1.800 tỷ đồng tại Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và gần đây là Gói thầu số 4.8 Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá 11.066 tỷ đồng (với tư cách thành viên liên danh). Bên cạnh đó, là một thành viên trong Liên danh Vietur, Vinaconex đang tham gia thi công Gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng, gói thầu lớn nhất trong giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp. Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp. Đơn vị tính: tỷ đồng

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán DSC, kết quả kinh doanh của Vinaconex sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV/2024. Mảng xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với loạt dự án đầu tư công “gối đầu” như Vành đai 3 - TP.HCM, Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, các đoạn tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Bãi Vọt - Hàm Nghi...

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một doanh nghiệp hàng đầu khác trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng là Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, doanh thu của Công ty trong năm 2024 đạt 3.165 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023 và lợi nhuận ròng đạt 454 tỷ đồng, tăng 25% nhờ nhu cầu đi lại giao thương của người dân tăng cao, giúp mảng hoạt động thu phí BOT tăng trưởng. Bên cạnh đó, mảng xây lắp cũng cho kết quả khả quan ghi nhận từ nhiều dự án xây lắp như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, đường ven biển Bình Định…

Đây được xem là kết quả xứng đáng cho nỗ lực triển khai thi công các dự án hạ tầng giao thông khắp cả nước của Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Công ty đã hoàn thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng vào cuối tháng 4/2024 và khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng. Tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Công ty hiện bố trí hàng nghìn người lao động, thiết bị, tổ chức làm việc 3 ca, nhằm đạt mục tiêu thông tuyến kỹ thuật vào cuối năm 2025 và đưa vào khai thác trong quý II/2026.

Triển vọng kinh doanh năm 2025 của Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tiếp tục được nhiều tổ chức tài chính đánh giá cao. Trong đó, Công ty CP Chứng khoán DSC dự phóng lợi nhuận ròng của Đèo Cả có thể đạt 553 tỷ đồng, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank dự phóng con số này khoảng 472 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư hạ tầng giao thông cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. 9 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.216 tỷ đồng và 154,8 tỷ đồng, tăng tương ứng 24% và 49,8% so với cùng kỳ 2023. Công ty CP LIZEN báo lãi ròng 94,5 tỷ đồng (tăng 72%); Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) lãi ròng 539 tỷ đồng (tăng 151,8%); Tổng công ty Xây dựng số 1 lãi ròng 64 tỷ đồng (tăng 70,2%); Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương lãi ròng 172,3 tỷ đồng (tăng 2,5%)…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phát triển hạ tầng là bước đi hợp thời cuộc, bởi Việt Nam hiện xếp hạng thấp trong chỉ số phụ về hạ tầng thuộc Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam cần cấp thiết cải thiện mạng lưới giao thông để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong năm 2024, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án hạ tầng lớn nhất được chia thành 3 giai đoạn chính với tổng vốn đầu tư 336.600 tỷ đồng. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111 tỷ đồng đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2026.

Các dự án trọng điểm khác như Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 90 km, trong đó 76,3 km cần xây dựng mới với chi phí là 75.400 tỷ đồng, đã được khởi công tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2026. Tiếp đến là Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng, được triển khai thi công từ giữa năm 2023 và hoàn thành cơ bản vào năm 2026.

Ngoài các dự án trên, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng, được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2035. Dự án sẽ tạo nguồn việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê tại 6.063 doanh nghiệp ngành xây dựng vào tháng 10/2024, để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, 47,1% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng. 42,7% số doanh nghiệp được khảo sát đề nghị được hỗ trợ về vốn cho kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 32,8% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 25,1% doanh nghiệp đề nghị có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tin cùng chuyên mục