Đầu tư công “vung tay quá trán”

(BĐT) - Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố tại kỳ họp Quốc hội lần này tiếp tục cho thấy chi tiêu công đã trong tình trạng “vung tay quá trán”, kém hiệu quả.
Chi đầu tư phát triển năm 2015 vượt dự toán gần 84 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nam Tiến
Chi đầu tư phát triển năm 2015 vượt dự toán gần 84 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nam Tiến

Nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư

Chỉ tính riêng 12 dự án nghìn tỷ kém hiệu quả của ngành công thương thì tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của 12 nhà máy là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

12 dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).

Theo số liệu kiểm toán, chi đầu tư phát triển năm 2015 đã vượt dự toán gần 84 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, dự toán là 225 nghìn tỷ đồng, quyết toán lên tới 308 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán.

Tình trạng lãng phí, vượt dự toán xuất phát đầu tiên từ nguyên nhân phê duyệt dự án tràn lan, chủ trương đầu tư một số dự án chưa căn cứ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của địa phương. Phê duyệt dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch 3 năm 2013 - 2015; nhiều dự án được phê duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thực hiện đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rất nhiều dự án xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần với giá trị lớn. Trong đó, 2 dự án của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều tăng 221% gồm Dự án Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh và Dự án Nhà văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng.

Tại TP. Hà Nội, Dự án Xây dựng tuyến đường vào Khu công nghiệp Nam Thăng Long nối từ đường Hoàng Quốc Việt kéo dài tăng 104%; Dự án Đường 35 Sóc Sơn - giai đoạn 1 tăng 92,9%; Dự án Xây dựng Nhà trung tâm đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân điều chỉnh 4 lần, tăng 143,8%.

Dự án Xây dựng các tuyến đê bao gạt lũ phía Tây sông Chanh giai đoạn II (Ninh Bình) tăng 213,9%; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 điều chỉnh 3 lần tăng 112,6%; Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên giai đoạn 1 tăng 184%...

Kết quả kiểm toán 46 dự án nhóm A cũng phát hiện dự toán sai sót trên 1.564,5 tỷ đồng. Cá biệt, Dự án Xây dựng Trụ sở mới Bộ Ngoại giao tổng giá trị dự toán vượt tổng mức đầu tư được duyệt đến 1.940 tỷ đồng.

Không chỉ “vung tay quá trán”, chất lượng nhiều công trình được đầu tư lớn từ vốn nhà nước cũng không đáng với số tiền đã bỏ ra. Một số công trình đường giao thông vừa hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe như Dự án Mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1824 - Km1876 và cầu Serepok Km1792+850 - Km1793+600 tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông; Dự án Mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1667+570 - Km1738+148 tỉnh Đắk Lắk. 

Kỳ vọng vào một bức tranh khác

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rất nhiều dự án xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần với giá trị lớn. Trong đó, 2 dự án của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều tăng 221%.
Bên cạnh giao thông, lĩnh vực y tế cũng tiêu tốn rất nhiều vốn nhà nước. Thế nhưng, hàng trăm tỷ đồng thiết bị y tế mua sắm về cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là đang để cất kho, sử dụng sai mục đích, mua về không biết để làm gì hoặc chưa dùng đã hỏng.

Khi bàn về các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công, các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh giải pháp hàng đầu là chi tiêu công phải hiệu quả, tiết kiệm. Thế nhưng, nhìn vào những con số trên, vốn nhà nước dường như vẫn là “chùm khế ngọt”, là một thứ “cha chung không ai khóc”. Và khi cứ chi tiêu như vậy, nguy cơ vỡ nợ là nhãn tiền.

Năm 2016, 2017, với những quy định chặt chẽ hơn của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan về sử dụng vốn nhà nước, hy vọng những báo cáo kiểm toán được công bố tại các kỳ họp những năm tới sẽ cho thấy một bức tranh khác về đầu tư công.