Đầu tư dự án cảng biển dưới 2.300 tỷ đồng: Kỳ vọng sớm trao quyền cho địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nếu việc phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng được Quốc hội thông qua sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai và hiệu quả đầu tư các dự án cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đánh giá cao giải pháp phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cảng biển.
Cả nước hiện có 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Tiên Giang
Cả nước hiện có 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Tiên Giang

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng mới thuộc cảng biển đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu đề xuất giải pháp sửa đổi theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.

Theo quy định tại Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên (mức vốn dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công) thuộc cảng biển loại I. Theo đó, mọi dự án mới thuộc cảng biển đặc biệt, không phân biệt quy mô vốn đầu tư đều phải trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả nước có 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, cảng biển Hải Phòng hiện có 46 bến cảng, 82 cầu cảng; quy hoạch đến năm 2030 sẽ phát triển thành 69 đến 73 bến cảng. Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 55 bến cảng, quy hoạch đến năm 2030 sẽ phát triển thành 69 đến 70 bến cảng. Trong đó, các bến cảng có chức năng là cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế là Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Văn Úc, Cái Mép. Do là khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có tính chất, ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế biển, việc trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư các bến cảng này là phù hợp.

Tuy nhiên, 2 cảng biển đặc biệt nêu trên còn có nhiều bến cảng quy mô nhỏ, không có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cửa ngõ quốc tế như: Sông Cấm - Phà Rừng, Đình Vũ, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Sông Dinh, Long Sơn… Việc phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương được cho là phù hợp và cần thiết.

Chính phủ nhận thấy, hiện nay, việc đầu tư xây dựng cảng biển có thể được kiểm soát trên cơ sở phương án phát triển các cảng biển tại quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và các yêu cầu, điều kiện về đầu tư xây dựng cảng biển theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và Nghị định số 58/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Mặt khác, điểm d khoản 1 Điều 31 và điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư đã phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có quy mô đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng. Do vậy, việc xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng là phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho địa phương, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, hạn chế số lượng các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp sửa đổi theo hướng phân cấp trên không gây ảnh hưởng đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do chủ yếu liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư. Về khía cạnh kinh tế - xã hội, việc phân cấp trên giúp đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng, phát huy được sự chủ động của địa phương trong việc phát triển các dự án bến cảng, khu bến cảng gắn liền với nhu cầu thực tế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi, Tỉnh quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển cũng như dịch vụ hậu cần cảng. Trên địa bàn Tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 55 bến cảng với công suất khoảng 200 triệu tấn/năm. Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Theo quy hoạch đến năm 2030, Tỉnh sẽ phát triển lên khoảng 70 bến cảng. Do đó, trong 7 năm tới cần đầu tư 14 bến cảng, khu bến cảng. Nếu việc phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng được Quốc hội thông qua sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai và hiệu quả đầu tư các dự án cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời phát huy sự chủ động của Tỉnh trong chiến lược phát triển cảng biển gắn liền với thực tiễn địa phương.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) như CMIT, SP - PSA, SNP… cũng đánh giá cao giải pháp phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nêu trên. Theo đó, các chủ thể tham gia dự án xây dựng mới cảng biển sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả đầu tư.