“Chìa khóa” nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mọi quốc gia.
Tháo gỡ điểm nghẽn để nhanh chóng đưa các dự án đầu tư công vào sử dụng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Tháo gỡ điểm nghẽn để nhanh chóng đưa các dự án đầu tư công vào sử dụng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, công nghệ và phương thức sản xuất chưa bắt kịp với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, động lực tăng trưởng từ sử dụng hiệu quả vốn đầu tư lại càng có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Với việc năm 2024, ICOR Việt Nam vẫn ở mức cao, ước tính 5,72, để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn tương đương Nhật Bản, Hàn Quốc giai đoạn trước đòi hỏi nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ.

Thực trạng bức tranh ICOR Việt Nam

Thống kê cho thấy, nền kinh tế nước ta giai đoạn 10 năm 2015 - 2024 có tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm khoảng 32% - 34,84% tổng sản phẩm trong nước (GDP), phản ánh nỗ lực rất lớn trong đầu tư phát triển sản xuất của các khu vực kinh tế. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Philippines và Indonesia; tương đương với các nước trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh như: Nhật Bản khoảng 32% trong giai đoạn 1955 - 1973, Hàn Quốc khoảng 33,5% trong giai đoạn 1960 - 1980…

Tuy vậy, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam là câu chuyện đáng bàn. Hệ số ICOR cho biết để tăng thêm 1 đồng GDP đòi hỏi phải tăng thêm bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện. Vì vậy, hệ số này phản ánh hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Hệ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2024 nằm trong khoảng 5,8 - 6,42, có nghĩa để tạo thêm được 1 đồng GDP, chúng ta phải bỏ ra khoảng 6 đồng vốn đầu tư.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thay đổi từng năm, phụ thuộc vào thực trạng kinh tế - xã hội, đồng thời phụ thuộc vào cơ cấu đầu tư và hiệu quả sử dụng các sản phẩm vật chất và dịch vụ trong nền kinh tế. Chẳng hạn, hệ số ICOR của nước ta năm 2019 là 5,76, tăng lên 14,27 và 15,61 vào năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch Covid-19, một lượng vốn lớn phải đầu tư vào phòng chống dịch, xây dựng bệnh viện dã chiến, cơ sở tập trung người lây, nhiễm Covid… Những dự án này không nâng cao năng lực của nền kinh tế, thậm chí còn bị thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Đến năm 2022, hệ số ICOR giảm mạnh về 4,82, sau đó tăng lên 7,86 vào năm 2023 và ước tính giảm xuống 5,72 vào năm 2024.

Hệ số ICOR thấp chứng tỏ vốn đầu tư mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo quy luật về lợi tức biên giảm dần, khi nền kinh tế càng phát triển, GDP bình quân đầu người tăng lên, thì hệ số ICOR sẽ tăng lên, nghĩa là để duy trì cùng một tốc độ tăng trưởng, phải cần một tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao hơn.

Hệ số ICOR của Việt Nam trong 10 năm qua phản ánh nền kinh tế có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, không ổn định. Nếu hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam bằng Hàn Quốc hay Nhật Bản đạt được trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, thì tốc độ tăng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều. Chẳng hạn, đối với Nhật Bản vào những năm 70 và Hàn Quốc vào những năm 80 của thế kỷ trước, cũng với mục tiêu tăng trưởng nhanh và trình độ công nghệ như Việt Nam hiện nay, nhưng hệ số ICOR chỉ từ 2,5 - 3.

Việc thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tối ưu hóa tài nguyên và tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Ảnh: Lê Tiên
Việc thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tối ưu hóa tài nguyên và tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Ảnh: Lê Tiên

Cải thiện hiệu quả vốn đầu tư, cách nào?

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế nước ta có thể chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư yếu kém. Một là, phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, không tập trung vào những ngành kinh tế trọng điểm có giá trị kinh tế cao và có lợi thế theo quy mô, chưa tập trung vào các vùng động lực tăng trưởng. Hai là, cơ cấu vốn đầu tư giữa các khu vực kinh tế chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước rất thấp. Ba là, quản lý vốn đầu tư còn nhiều bất cập, thời gian thực hiện dự án đầu tư kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí, bào mòn nguồn lực của đất nước. Bốn là, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Năm là, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp; một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Sáu là, cơ cấu và mô hình kinh tế chậm đổi mới; đầu tư công nghệ và phương thức sản xuất của nền kinh tế lạc hậu dẫn tới năng suất lao động thấp, giảm hiệu quả đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, Chính phủ và các nhà lập pháp cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế với quan điểm đổi mới tư duy, tầm nhìn, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên quyết xóa bỏ lợi ích ngành, lợi ích nhóm dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cần chủ động tháo gỡ nhanh nhất, hiệu quả nhất điểm nghẽn về đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư công. Ưu tiên rà soát toàn diện các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư nhằm tháo gỡ nút thắt trong hình thành, phân bổ và triển khai các dự án.

Trong việc triển khai các dự án đầu tư cấp quốc gia, dự án vùng và các dự án lớn, cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương, từ các cấp sở ban ngành chứ không chỉ có chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu loay hoay tháo gỡ các vướng mắc. Trình tự thủ tục cần được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện; linh hoạt trong thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước để cùng thời điểm có thể thực hiện nhiều dự án thành phần.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, trước hết, kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kiên quyết xóa bỏ các cánh cửa "chạy" dự án. Thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư từ các nguồn vốn để cơ cấu lại nền kinh tế, tạo dựng mô hình kinh tế mới ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. Tập trung đầu tư sử dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện dựa trên đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, đặt trong xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, từ đó có chính sách và giải pháp tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế. Đầu tư, tạo dựng và thực hiện các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí và tác động xấu tới môi trường; tạo ra giá trị kinh tế cao hơn, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.

Đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, công tác giải phóng mặt bằng cần được tập trung xử lý theo hướng bố trí thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai dự án.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế nhằm khơi thông các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm bằng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến chính là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho nền kinh tế trong thời gian tới. Đây cũng là con đường nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, với những biến số khó lường.

Tin cùng chuyên mục