Gập ghềnh hành trình đầu tư nhà máy điện rác

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất Đông Á, tạo áp lực lớn lên môi trường với lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các dự án xử lý CTRSH phát điện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dù có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Dự án điện rác có suất vốn đầu tư ban đầu rất lớn nên nhà đầu tư cần có sự cam kết và bảo đảm về tính ổn định và đầy đủ của khối lượng rác đầu vào. Ảnh minh họa: Anh Tuấn
Dự án điện rác có suất vốn đầu tư ban đầu rất lớn nên nhà đầu tư cần có sự cam kết và bảo đảm về tính ổn định và đầy đủ của khối lượng rác đầu vào. Ảnh minh họa: Anh Tuấn

Nhiều ưu đãi nhưng vẫn tắc đầu tư

Để thu hút khu vực tư nhân đầu tư công nghệ hiện đại xử lý CTRSH, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, cho phép bù giá 10 năm đầu đối với các dự án tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải; xử lý chất thải được xác định là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư; doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản và miễn tiền thuê đất 11 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; dự án được cấp tín dụng xanh, có thể phát hành trái phiếu xanh; ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp từ Quỹ Bảo vệ môi trường (lãi suất ưu đãi tối đa không vượt quá 50% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước), từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

Tuy nhiên, trong thực tiễn, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vietthink cho biết, có nhiều cách hiểu, quan điểm không nhất quán về các quy định trên dẫn đến hướng dẫn không đồng nhất về thủ tục, điều kiện triển khai thực hiện dự án và cung cấp dịch vụ xử lý CTRSH tại địa phương.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đấu thầu 2023, được hướng dẫn bởi Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý CTRSH thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, việc lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH phải được UBND cấp tỉnh lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, và chỉ lựa chọn theo hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ nếu không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu.

Theo bà Hà, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện một lần cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án và được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện các bước triển khai, đầu tư dự án. Còn việc đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH là thủ tục để lựa chọn được cơ sở cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, được tổ chức hàng năm hoặc định kỳ theo quy định về quản lý ngân sách. Thế nhưng nhiều địa phương chưa phân biệt được hai thủ tục đấu thầu này và cho rằng nhà đầu tư phải trải qua 2 lần đấu thầu.

Bên cạnh đó, dự án điện rác có suất vốn đầu tư ban đầu rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng nên nhà đầu tư cần có sự cam kết và bảo đảm về tính ổn định và đầy đủ của khối lượng rác đầu vào cho toàn bộ thời hạn của dự án. Đây là yếu tố tiên quyết để nhà đầu tư ra quyết định đầu tư cũng như bên cấp vốn (thường là ngân hàng) xác định tính khả thi và khả năng hoàn vốn của dự án. Việc cung cấp CTRSH đầu vào của dự án thuộc quản lý của Nhà nước, địa phương vừa là nhà cung cấp duy nhất nguồn nguyên liệu đầu vào (CTRSH), vừa là khách hàng chủ yếu (nguồn thu từ chi trả dịch vụ xử lý chất thải, ngoài ra còn có nguồn thu từ bán điện).

“Việc nhà đầu tư phải bỏ một khoản vốn và nguồn lực đầu tư rất lớn vào dự án nhưng hàng năm phải tham gia đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH tiềm ẩn rủi ro lớn trong việc bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án. Với quy định tại Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương không thể “vượt rào” đưa ra cam kết về cung cấp rác đầu vào hoặc quyết định đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH dài hạn với nhà đầu tư. Do vướng mắc này, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, gần như tất cả các dự án điện rác đều gặp bế tắc, bởi cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều loay hoay không có giải pháp tháo gỡ”, bà Hà chia sẻ.

Trường hợp địa phương lựa chọn hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cũng không phải dễ vì phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Theo đó, địa phương phải chứng minh được tính đặc thù liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện; phải có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH đối với các dự án điện rác, cũng như chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công.

Để tháo gỡ khó khăn trên, một số địa phương như TP. Đà Nẵng, TP.HCM... đã được thông qua cơ chế đặc thù cho việc đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH đối với dự án chuyển đổi công nghệ đốt có thu hồi năng lượng. Trong đó, TP. Đà Nẵng được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù này tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2025, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa được các cơ quan quản lý địa phương chấp thuận cho áp dụng hình thức đặt hàng cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án vì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Nghị quyết số 136/2024/QH15 cũng không nêu rõ có hay không được đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án của nhà đầu tư, thời điểm chấp thuận đặt hàng là trước hay sau khi nhà máy hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành, và trước hay sau khi định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công được ban hành.

Tập trung gỡ vướng

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong tư vấn đầu tư các dự án điện rác tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị, cần sớm bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm pháp luật cho phép áp dụng hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH đối với dự án điện rác. Để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn và chi trả dịch vụ xử lý CTRSH theo quy định về quản lý ngân sách, có thể bổ sung các điều kiện chi tiết riêng cho dự án điện rác (hình thức đặt hàng, thời điểm và thời hạn đặt hàng, các nguyên tắc về điều chỉnh giá dịch vụ…).

“Nếu các dự án xử lý CTRSH phát điện và các khu xử lý CTRSH tập trung được phân bổ phù hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch quản lý chất thải cấp tỉnh, vùng, liên vùng và địa phương thì sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về bảo đảm khối lượng rác đầu vào cho các dự án điện rác”, bà Hà đề xuất.

Trên cơ sở thu thập thông tin từ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 9 doanh nghiệp, Nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, Nhà nước cần ban hành quy định cho phép địa phương ký kết các hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải dài hạn, bên cạnh hình thức đấu thầu hay đặt hàng. Đây được coi là sự bảo đảm lớn nhất của Nhà nước với nhà đầu tư, giúp giảm đáng kể rủi ro cho dự án, đồng thời có thể giảm chi phí xử lý chất thải mà địa phương phải trả cho doanh nghiệp.

Để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân, theo VCCI, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh việc ban hành văn bản ở cấp thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện dự án PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải, trong đó quy định rõ các nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và trong hồ sơ mời thầu; mẫu hợp đồng đối với các dự án điện rác có định hướng kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư tham gia theo phương thức PPP… Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm ban hành định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Ngoài ra, pháp luật về đất đai nên xác định lại trường hợp dự án xử lý chất thải được giao đất, cho thuê đất theo hình thức nào để phù hợp với pháp luật về đấu thầu…

Tin cùng chuyên mục