![]() |
Tập đoàn PNE dự kiến đầu tư Dự án Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu quy mô 2.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD tại Bình Định. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Dự án 1 tỷ USD tái chế sợi polyester
Đại diện Tập đoàn Syre vừa đến Bình Định tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại địa phương này, dự kiến vốn đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ USD.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định và Bộ Công Thương, Syre đề xuất được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai dự án tái chế rác thải dệt may, hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tái chế và đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ kết nối với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi. Khẳng định sẽ ưu tiên thu gom nguồn nguyên liệu trong nước, đại diện Syre bày tỏ băn khoăn việc Việt Nam vẫn chưa có cơ chế triển khai rõ ràng về thu gom quần áo đã qua sử dụng, gây nhiều khó khăn trong việc thu mua, phân loại và xử lý nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của dự án.
Nhà đầu tư đề xuất được hỗ trợ xây dựng cơ chế và hướng dẫn cụ thể về thu gom, phân loại, xử lý quần áo đã qua sử dụng trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất. Tập đoàn cũng cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị Bộ Công Thương xem xét, có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án.
Tại buổi làm việc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, nguyên liệu đầu vào theo đề xuất của nhà đầu tư gồm: quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; vải vụn (mã HS 6310) là phế liệu trong quá trình sản xuất, do vậy nằm trong danh mục phế liệu được nhập khẩu cho sản xuất. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị UBND tỉnh Bình Định tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, về nguyên tắc, Bộ Công Thương ủng hộ dự án, nhưng đây là dự án đầu tư đặc biệt, theo quy định pháp luật phải có nghị quyết đặc biệt cho dự án này. “Nếu Tập đoàn Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp cho kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp Chính phủ để có cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án”, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.
4,6 tỷ USD làm điện gió
Cuối tháng 10/2024, Tập đoàn PNE chính thức đặt văn phòng làm việc tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho thấy kế hoạch nghiêm túc đầu tư dự án điện gió 4,6 tỷ USD tại địa phương này.
Lãnh đạo Tập đoàn PNE cho biết, đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu, là kết quả của sự hỗ trợ tối đa của lãnh đạo tỉnh Bình Định. “Với tất cả chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực, Tập đoàn PNE cam kết thúc đẩy Dự án bằng mọi nỗ lực, đam mê và tâm huyết của mình nhằm đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cũng như đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định”, Tập đoàn PNE cam kết.
PNE khảo sát để đầu tư dự án điện gió ở Bình Định từ năm 2019 đến nay. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, PNE thể hiện quyết tâm theo đuổi Dự án với đề xuất quy mô công suất 2.000 MW, chia thành 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn hơn 1,5 tỷ USD). Tập đoàn khẳng định, đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai Dự án ngay khi có chủ trương đầu tư.
Địa điểm PNE dự định triển khai Dự án là đảo Hòn Trâu nằm ngoài khơi cửa biển Đề Gi, cách bờ gần 10 km. Dự kiến sau khi đưa vào vận hành, mỗi năm Dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: "Tỉnh Bình Định cam kết ủng hộ tuyệt đối Dự án và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn PNE thực hiện các bước tiếp theo nhằm sớm hiện thực hóa dự án này".