Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư công vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn có thể tạo ra tác động cấp số nhân, tăng cường tính kết nối cơ bản, kích cầu cho các nhà thầu địa phương. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về giải pháp phục hồi nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Đầu tư hạ tầng có thể tạo tác động cấp số nhân
WB đề xuất một danh mục các hành động chính sách mà Chính phủ có thể cân nhắc để phục hồi nhanh nền kinh tế trong vài tháng tới. Danh mục này bao gồm hành động ở bốn lĩnh vực chính: tối ưu hóa việc triển khai chương trình đầu tư công, coi đây chính là giải pháp kích thích tài khóa; khai thác tối đa chương trình chuyển đổi số nhằm giảm chi phí giao dịch cho cả Chính phủ và doanh nghiệp; bảo vệ và tạo việc làm cũng như tăng cường vốn nhân lực; hỗ trợ các hoạt động của khu vực tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi Covid-19.
Trong đó, WB cho rằng, giải pháp thông thường mà Chính phủ có thể áp dụng để thúc đẩy phục hồi kinh tế là sử dụng các gói kích thích tài khóa để tăng chi, đặc biệt là cho các dự án đầu tư. Hiệu quả của đầu tư công trình công cộng sẽ tăng lên nếu cơ quan quản lý thực hiện theo hướng đảm bảo bền vững tài khóa và cải thiện cả hiệu quả phân bổ và hiệu quả tài chính. Đồng thời, cần tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ đầu tư công hoặc đảm bảo rằng nguồn lực sẽ được sử dụng cho các dự án có tiềm năng đóng góp lớn nhất đến quá trình phục hồi kinh tế và nỗ lực tạo việc làm.
Theo WB, đầu tư công vào các dự án kết cấu hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phát triển hệ thống đường quốc lộ, mở rộng các sân bay ở TP.HCM và Hà Nội, xây dựng đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội, và cải thiện giao thông công cộng/tăng tính kết nối vận tải quanh các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lạch Huyện (Hải Phòng) có thể tạo ra tác động cấp số nhân, tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp, tăng cường tính kết nối cơ bản, kích cầu cho các nhà thầu địa phương và thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy.
Các gói hỗ trợ nằm trong khả năng chi trả của ngân sách
Theo WB, khi thiết kế các biện pháp ứng phó, các chính phủ đều phải đối mặt với sự đánh đổi giữa việc giúp đỡ các nhóm bị ảnh hưởng nhất và tôn trọng các quy tắc tài khoá hiện hành. Ngân hàng này đánh giá Chính phủ Việt Nam đã tìm thấy sự cân bằng phù hợp khi đưa ra nhóm các biện pháp được đề xuất ước tính có chi phí khoảng 1% GDP. Chi phí này sẽ góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách nhưng nằm trong khả năng chi trả khi sử dụng kết hợp phân bổ ngân sách dự phòng và nguồn vốn từ ngân sách của cả Trung ương và địa phương với huy động thêm vốn vay. Quy mô của gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ Việt Nam thấp so với các nước đang phát triển khác, như Philippines (1,7% GDP), Thái Lan (3% GDP), và còn xa mới bằng những gói được áp dụng gần đây tại các quốc gia OCED như Hoa Kỳ và Úc (gần 10% GDP). Chính phủ đã cân đối những biện pháp ứng phó ban đầu của mình với quy mô của cú sốc và dư địa tài khoá hiện có. Tuy nhiên, WB lưu ý cần sẵn sàng điều chỉnh các biện pháp ứng phó trên cơ sở những điều kiện thay đổi trong tương lai.
WB cũng cho biết, từ nghiên cứu các nguồn thông tin đáng tin cậy về đại dịch năm 1918 cho thấy các vùng có can thiệp sớm hơn và với quyết tâm cao hơn đã có sự gia tăng tương đối trong hoạt động kinh tế sau khi đại dịch lắng xuống. Chính phủ có thể bắt đầu định hình gói kích thích tài khóa và xây dựng lộ trình cho giai đoạn phục hồi do việc tổ chức thực hiện các chương trình cũng như hoạt động phối hợp giữa các bộ ngành và giữa cơ quan trung ương với địa phương và doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian. Một số hoạt động cải cách đòi hỏi phải điều chỉnh quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19, có thể xuất hiện hoặc đẩy nhanh những xu thế mới mà Việt Nam có thể khai thác như việc định hình lại chuỗi giá trị của nhiều công ty đa quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời, cũng có thể phát triển các thị trường mới cho nông sản và sản phẩm chế biến, chế tạo hiện vẫn còn nhu cầu cao trên toàn thế giới trong khi nguồn cung ở một số quốc gia đang gián đoạn.