Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát, quản lý nợ công để đảm bảo an toàn nợ công là cấp thiết. Ảnh: Đoàn Bắc |
Tại Phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc kiểm soát, quản lý nợ công để đảm bảo an toàn nợ công là cấp thiết. Thực tế, nợ công nước ta đang tăng rất nhanh, mỗi năm tăng khoảng 300.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu đầu tư công, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của các địa phương còn rất lớn và dư địa còn rất hạn hẹp. Đại biểu nhấn mạnh, nợ công tăng lên không chỉ do Luật Quản lý nợ công hiện hành không phù hợp, mà do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu chi tiêu công của chúng ta ngày càng cao, bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán. Do vậy, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật, nợ công phải được công khai và cập nhật liên tục. Nợ công và đầu tư công có gắn kết chặt chẽ với nhau, đầu tư hiệu quả thì chúng ta mới kéo giảm được nợ công.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, dự án Luật hiện quy định nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Đa số đại biểu thống nhất với quy định này, tuy nhiên cũng có đại biểu cho rằng cần nghiên cứu thêm các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh đối với cả DNNN và DNNN nắm cổ phần chi phối. Lý giải về việc này, đại biểu cho rằng, trên danh nghĩa các khoản vay của các doanh nghiệp này là tự vay, tự trả nhưng doanh nghiệp thường nhận được sự hỗ trợ “mềm” của Chính phủ dưới hình thức bổ sung vốn, giãn nợ, xóa nợ… Nguồn hỗ trợ này cuối cùng đều làm tăng chi tiêu ngân sách, ảnh hưởng tới nợ công. Bên cạnh đó, còn có các khoản nợ phải bố trí nguồn ngân sách nhà nước để trả như các khoản nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội… Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu không tính vào nợ công, sẽ dẫn đến rủi ro trong quá trình điều hành ngân sách.