Đó là cảnh báo được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra hôm thứ Tư (27/5).
Trước khi đại dịch xuất hiện, đầu tư năng lượng toàn cầu đang trên đà tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2020 - mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 6 năm qua. Nhưng hiện tại, dự kiến đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giảm tới 20%, tức khoảng 400 tỷ USD.
Trong Báo cáo Đầu tư Năng lương Thế giới năm 2020, IEA cho biết: “Cú sốc kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đang lan rộng và thường ảnh hưởng lớn đến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng”.
Theo IEA, các khoản đầu tư thấp hơn trong lĩnh vực năng lượng đến từ hai yếu tố chính. Đó là chi tiêu cắt giảm do nhu cầu và thu nhập giảm; và “sự gián đoạn thực tế trong hoạt động đầu tư” gây ra bởi việc phong tỏa và hạn chế di chuyển của hàng hóa và con người.
Nếu khoản đầu tư vào dầu mỏ ở mức như năm nay thì nguồn cung vào năm 2025 sẽ thấp hơn 9 triệu thùng mỗi ngày so với dự kiến, IEA cho biết.
IEA cũng lưu ý rằng nhiều công ty dầu quốc gia đang “thiếu kinh phí”. Giao thông đường bộ và hàng không dẫn đầu sự sụt giảm trong nhu cầu dầu, vốn chiếm 60% nhu cầu dầu toàn cầu. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu giảm khoảng 25 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 4 khi hơn 4 tỷ người trên khắp thế giới đang bị phong tỏa.
Đầu tư toàn cầu về dầu và khí gas được dự đoán sẽ giảm gần 1/3 vào năm 2020, có nghĩa là khoảng 132 tỷ USD bị mất đi ở lĩnh vực này. Trong khi đó, đầu tư vào dầu đá phiến sẽ giảm 50% vào năm 2020 “do sự mất mát trong niềm tin của nhà đầu tư” và thực tế “khả năng tiếp cận vốn đã cạn kiệt”.
Báo cáo của IEA cũng dự báo mức sụt giảm lớn trong việc tiêu thụ than. Sử dụng than có thể giảm 8% vì nhu cầu điện dự kiến giảm 5% trong năm nay. Nhu cầu khí gas chỉ giảm khoảng 2% trong quý I/2020, song IEA cho biết, nhu cầu loại mặt hàng này có thể giảm xuống mạnh hơn do giảm nhu cầu điện và các ngành công nghiệp liên quan.