Dự án CT 10 - 11 Văn Phú tại quận Hà Đông, Hà Nội, dự kiến bàn giao vào năm 2014 |
Khó khăn chồng chất
Theo PVCR, Dự án CT 10 - 11 Văn Phú tại quận Hà Đông, Hà Nội (DA Văn Phú) do công ty này làm chủ đầu tư đang gặp khó vì không huy động được vốn. Dự án cũng vi phạm quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng nhà MHD, đơn vị ký hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh phần còn lại của Dự án, đang yêu cầu PVCR thanh lý hợp đồng, thanh toán toàn bộ khối lượng mà MHD đã thực hiện. PVCR cho biết, nếu thanh lý hợp đồng thì Dự án sẽ tiếp tục chậm tiến độ, nguy cơ bị khách hàng khiếu kiện là hiện hữu.
Lãnh đạo PVCR cũng thừa nhận, thời gian qua không chỉ có DA Văn Phú, Dự án CT15 Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) và một số dự án khác cũng đang trong tình trạng lụt tiến độ, gây mất lòng tin với khách hàng và đối tác. Vì vậy, Công ty không thể huy động vốn để đầu tư.
Được biết, Dự án Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên (DA Tản Viên) của PVCR đang đối mặt với nguy cơ bị thu hồi vì được cấp Giấy chứng nhận đầu tư quá lâu nhưng chưa triển khai. PVCR cho biết, Công ty không có khả năng tài chính để đầu tư và thực hiện Dự án.
Ngoài ra, Công ty còn có khoản nợ khó đòi (gần 3,5 tỷ đồng) tại Dự án Megastar Duminium 409 Lĩnh Nam, do Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vĩnh Hưng – chủ đầu tư Dự án dính vào vòng lao lý. PVCR đã phải trích lập dự phòng 100% khoản phải thu này trong năm 2015. Khoản đầu tư tại Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An và Dự án số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội) cũng không mấy khả quan buộc PVCR phải tìm cách thoái vốn. Doanh thu thực hiện trong năm 2015 của PVCR chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đặt ra là 60 tỷ đồng (chỉ bằng 5,3% kế hoạch); lỗ 27,44 tỷ đồng trong khi kế hoạch lãi 1 tỷ đồng.
Tái cơ cấu các hạng mục đầu tư
Có thể nói, sở dĩ việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và triển khai các dự án đầu tư không đạt kết quả như mong muốn, theo PVCR, là do Công ty chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư hoặc chưa chuyển nhượng được Dự án CT15 Việt Hưng; tái cơ cấu danh mục đầu tư/thoái vốn với các khoản mục đầu tư kỳ vọng thấp, khả năng sinh lời kém. Việc tìm kiếm lợi nhuận thông qua thực hiện các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới như xây lắp, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn, không tìm kiếm được đối tác chấp thuận phương án thoái vốn/chuyển nhượng theo kỳ vọng của PVCR. Đây là hậu quả nặng nề từ trào lưu “ăn xổi” của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.
Do đó, trước mắt, PVCR sẽ phải cắt giảm chi phí, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt để thanh toán công nợ, trích lập dự phòng các khoản mục đầu tư không hiệu quả. Trong năm 2016 và 2017, PVCR chủ trương chỉ tập trung đầu tư vào một dự án trọng điểm là DA Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Theo dự tính của PVCR, DA Văn Phú sẽ phải tính toán lại phần kết cấu, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (lần 7), tiến độ thi công dự án. Mặt khác, PVCR tìm kiếm đối tác là nhà thầu tổng thầu thi công toàn bộ phần khối lượng còn lại của Dự án, trong đó có nhận lại cả phần MHD đã thi công. Phấn đấu hoàn thành xây dựng phần thô Dự án là vào quý IV/2018.
Đối với một số dự án khác, do không đủ năng lực tài chính để thực hiện, PVCR sẽ chuyển nhượng tòa 18T1 cùng hạ tầng chung cư Dự án CT15 Việt Hưng (khoảng 60 tỷ đồng) để tập trung vốn cho dự án khả thi nhất - DA Văn Phú. Để tái khởi động Dự án Tản Viên, PVCR dự kiến tăng vốn điều lệ hoặc thế chấp tài sản cho tổ chức tín dụng để vay tiền đầu tư, nhưng nếu tìm được đối tác thì sẽ thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ Dự án.