Mười hai năm không biết là dài hay ngắn với nền kinh tế đất nước!? Chỉ biết rằng năm ấy, lần đầu tiên Thủ tướng công nhận hàng năm có "Ngày Doanh nhân Việt Nam" theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, đưa ra nguyên lý "dân có giàu thì nước mới mạnh" và lời hứa của Chính phủ sẽ sát cánh với giới công thương làm cho quốc gia và doanh nhân cùng thịnh vượng... Như thế là 12 năm trước, giới doanh nhân đã xác lập được vị thế của mình trong đội ngũ dân tộc bước vào công cuộc Đổi mới và cũng từ đó luôn được tôn vinh là những người "lính trong thời bình"...
Rồi chỉ hơn 2 năm sau đó, bước vào năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này kết thúc một thời gian không ngắn, chúng ta cứ lưỡng lự nâng lên đặt xuống chỉ sợ "hội nhập" vào kinh tế thị trường toàn cầu thì bản chất chế độ chính trị mang định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ bị "hòa tan" vào biển cả của nền kinh tế về căn bản vẫn thuộc phạm trù "tư bản chủ nghĩa" một thời vừa "đáng ghét" lại vừa đáng sợ... Vậy là đến nay đã một thập kỷ, Việt Nam thực sự hội nhập.
Nỗi e ngại bước đầu đã qua và thay vào đó là một tiến trình hội nhập ngày càng sâu và rộng với tốc độ ngày một cao để đến thời điểm này, chúng ta đã ký kết đến 15 hiệp định thương mại thế hệ mới với nhiều nền kinh tế quốc gia và khu vực quan trọng. Kết thúc năm 2015 cũng là lúc mở đầu một không gian thống nhất gắn 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào một cộng đồng có quan hệ ngày càng hữu cơ trên mọi phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa. Gần như song hành với sự kiện này, cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại được đánh giá là có ảnh hưởng tầm thế kỷ - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã hoàn tất, để 12 quốc gia sáng lập trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đi đến những thủ tục cuối cùng chính thức hình thành.
Để dọn đường cho quá trình hội nhập này, nhiều chính sách kinh tế đã triển khai trên tinh thần của những thay đổi quan trọng trong Cương lĩnh của Đảng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật của Quốc hội. Bản Hiến pháp 2013 cũng như định hướng sửa đổi và xây dựng hệ thống luật pháp theo mục tiêu hội nhập với những giá trị phổ quát của thế giới về quyền con người và liên thông với hệ thống luật pháp và những cam kết quốc tế thuận theo sự vận động khách quan của thị trường thế giới là một thay đổi căn bản. Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi theo nguyên tắc được kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm thay vì quan hệ xin - cho tưởng như không gì thay thế được...
Tuy vậy, tất cả mới chỉ là sự khởi động trong nhận thức, để đi vào thực tiễn giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp bởi những mối ràng buộc ngày càng sâu sắc trong khi nền kinh tế của Việt Nam cũng đang tích tụ không ít tàn dư chẳng mấy lành mạnh, bộc lộ ngày càng rõ nét những điểm yếu trong tư duy và hành động của giới doanh nhân nước ta. Dường như bài toán lợi ích, động lực rất quan trọng của hoạt động kinh tế vẫn là một trong những bài toán khó giải hơn cả...
Cách đây 12 năm đã bàn câu chuyện "Đầu tư - Từ đâu?" cũng tựa như câu chuyện "Đầu tiên -Tiền đâu?", chính là câu chuyện mở cửa để hội nhập. Bàn tiếp câu chuyện ấy, giờ đây chính là phải trả lời câu hỏi "Vào đâu?" để đầu tư cho có hiệu quả. Đương nhiên, với bài toán kinh tế, việc đầu tư phải tính toán đổ tiền vào ngành nào, thời điểm nào, để đầu ra lãi suất có được số dương càng lớn càng tốt. Nhưng trước hết, phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa vào con người, không chỉ là những kỹ năng mà trước tiên phải là tư duy, trong đó có tư duy lịch sử, nói cách khác là nhận thức về sự tất yếu của mục tiêu hội nhập.
Cứ nhìn vào tiến trình lịch sử của dân tộc ta đủ thấy cái nguyên lý "hội nhập" là con đường sống, để tồn tại và phát triển của một dân tộc, một quốc gia tự chủ. Và trước tiên là văn hóa. Hơn một thiên niên kỷ "Bắc thuộc", bị biến thành quận huyện của đế chế phương Bắc cũng có nghĩa là bị cưỡng bức hội nhập bởi sức mạnh của một nền văn minh có sức bành trướng lớn với chính sách đồng hóa vô cùng khắc nghiệt. Tổ tiên chúng ta bằng sự khôn ngoan và kiên định đã lựa chọn sự thích ứng đồng thời chủ động hội nhập với những giá trị văn hóa "ngoài Trung Hoa" là Đạo Phật.
Nhưng khi đã giành đoạt được nền tự chủ và bắt tay vào việc củng cố và xây đắp nền văn hóa riêng của mình - Văn hiến Đại Việt - Triều Lý lại có ý thức chủ động hội nhập với Văn minh phương Bắc để chắt lọc những nhân tố có ích cho sự phát triển bền vững nền tự chủ của mình trong điều kiện luôn là láng giềng, luôn phải ứng phó với đế chế khổng lồ này. Tiếp nhận chữ Hán như quốc tự, đưa triết lý Khổng Tử về làm nền tảng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, bên cạnh việc củng cố nền tảng xã hội lấy xã thôn và duy trì tiếng nói để bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc.
Đồng thời với việc ứng xử khôn ngoan với phương Bắc, tổ tiên chúng ta không ngừng thúc đẩy công cuộc Nam tiến, không chỉ nhằm mở rộng lãnh thổ như những nguồn tài lực và nhân lực mà quan trọng, hơn hết lại là tiếp nhận đến những nền văn minh "phi Trung Hoa" như những nền văn hóa bản địa gắn với khu vực miền Trung và Nam Bộ hiện nay, gắn với những nền văn hóa giàu sức sống như Champa hay Phù Nam, Sa Huỳnh hay Óc Eo, Tây Nguyên... cũng là gián tiếp gắn kết với nền văn hóa biển đảo của Đông Nam Á, hướng tới nền Văn minh Ấn Độ và cũng là đầu cầu để tiếp cận với văn minh phương Tây sau này.
Trong quá khứ xa xưa, thời phong kiến, khi dân tộc ta phải thường xuyên đối phó với nguy cơ bành trướng, khi phải duy trì cơ cấu làng xã và nông nghiệp bền vững làm nền tảng cho nền tự chủ về chính trị thì yếu tố hội nhập về kinh tế có những hạn chế lịch sử chưa thể vượt qua nổi. Đó cũng là rào cản khiến nước ta lạc hậu khi thế giới đã bước vào con đường phát triển hiện đại mà sự hội nhập kinh tế là một nhân tố ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu.
Nhưng khi dân tộc ta, tự mình đã "lấy sức ta giải phóng cho ta" để thoát ra khỏi chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và phát xít cách đây 7 thập kỷ, thì Nhà nước Việt Nam độc lập đầu tiên đã hội nhập ngay với thế giới hiện đại bằng một ý chí rất quyết liệt. Với tầm nhìn mang tính thời đại và một ý thức về một quốc gia hiện đại, người đứng đầu nước Việt Nam theo thể chế Cộng hòa và Dân chủ đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng. Đó là một chính sách đối ngoại rất minh bạch: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không muốn gây sự với ai".
Đó là một chính sách mở cửa một cách toàn diện mà hạt nhân là một chính sách kinh tế rất cởi mở: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình - Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc - Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải lục không quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng vài căn cứ hải quân và không quân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 470).
Tất cả những điều đó cho thấy, những tiền đề cho một công cuộc Đổi Mới, một tinh thần mở cửa và một bản lĩnh hội nhập đã được đưa ra ngay từ khi nền Độc lập được xác lập. Chiến tranh và tác động của những nhận thức sai lạc khiến đường lối xây dựng đất nước có lúc xa rời những nền tảng ban đầu, lạc vào những con đường vòng để phải đến công cuộc Đổi mới khởi động cách nay 30 năm, đất nước ta mới từng bước trở lại những giá trị ban đầu. Thực tiễn của công cuộc hội nhập trong hơn một thập kỷ gần đây với những giá trị đang trở thành hiện thực sống động và nó còn sống động hơn nữa khi mỗi người Việt Nam phải ý thức được rằng, hội nhập là con đường sống và phát triển của dân tộc từ trong quá khứ đến tương lai...
Đầu tư vào con người là khiến người Việt Nam hiện đại, là con người của hội nhập.
Xuân Bính Thân, 2016