Đầu tư vào giá trị bền vững

(BĐT) - Năm 2018 là một năm khởi sắc của kinh tế Việt Nam với tăng trưởng GDP 7,08%, đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. 
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bắt buộc nếu muốn nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong tương lai. Ảnh: Minh Khuê
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bắt buộc nếu muốn nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong tương lai. Ảnh: Minh Khuê

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự tăng tốc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với rủi ro và thách thức tiềm ẩn của kinh tế thế giới, việc tìm kiếm các giải pháp đột phá trong áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, tập trung vào yếu tố con người là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tại Đà Nẵng ngày 17/12/2018 đã khẳng định phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước chính là mục tiêu hướng tới của Việt Nam.

Theo những phân tích gần đây cho thấy, 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể được đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa là những thách thức nhưng cũng chính là cơ hội kinh doanh nghìn tỷ cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn” do Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững thực hiện cũng cho thấy, đến năm 2030, những cơ hội kinh doanh bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD và đem lại thêm 380 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, châu Á là khu vực nhận được nhiều cơ hội kinh doanh nhất từ các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, để tận dụng cơ hội, việc tập trung vào yếu tố con người thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lối đi đúng đắn cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thực tế trong những năm vừa qua cũng cho thấy, nhân tố con người thông qua giáo dục, đào tạo luôn được đặt lên vị trí hàng đầu trong các quyết sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ chi ngân sách dành cho giáo dục của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP, mức khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” của Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục thành công trong những năm vừa qua.

Bên cạnh những thành công, ngành giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó phải kể đến sự bất hợp lý và thiếu cân đối trong cơ cấu đầu tư cho giáo dục. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên các ngành khoa học cơ bản và khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ rất thấp (15%), các ngành nghề, lĩnh vực được coi là chủ lực của nền kinh tế như nông, lâm, ngư nghiệp, tỷ lệ sinh viên chỉ chiếm khoảng 3,1%. Định mức phân bổ ngân sách cho đào tạo nghề còn thấp, đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này dẫn tới tình trạng nước ta thiếu lao động chất lượng cao trong nhiều ngành như công nghiệp, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Hay nói cách khác, đó là tình trạng dôi dư lao động chưa qua đào tạo nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. Phần lớn các lao động phải qua đào tạo lại sau khi được tuyển dụng, đặc biệt là các ngành sử dụng công nghệ hiện đại, phức tạp.

Báo cáo quốc gia tự nguyện của Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững diễn ra ngày 16/7/2017 tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York chỉ ra rằng, một trong những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt khi thực hiện đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện chính là những ảnh hưởng sâu rộng của cuộc CMCN 4.0. Tăng trưởng của Việt Nam thời gian vừa qua dựa nhiều vào tăng đầu tư nhưng hiệu quả đầu tư còn chậm cải thiện. Năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp, công nghệ sản xuất ở nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ và thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, đầu tư nâng cấp và đổi mới công nghệ, nhanh chóng nắm bắt và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ của CMCN 4.0 vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu.

Muốn vậy, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian tới cần phải đáp ứng yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu song song với đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia nước ngoài về Việt Nam làm việc cũng như có chính sách giữ chân người tài trong nước. Các chương trình đào tạo trong các ngành công nghệ cao, các ngành nghề cốt lõi của nền kinh tế cũng cần phải xác định rõ ràng và phù hợp hơn với nhu cầu của nền kinh tế nhằm kéo gần hơn khoảng cách cung - cầu lao động chất lượng cao.

Từ những quan điểm trên, có thể khẳng định rằng yếu tố con người luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hy vọng trong một tương lai gần, các giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực sẽ biến những thành quả của cuộc CMCN 4.0 thành những lợi ích hiện hữu không những cho các doanh nghiệp mà còn cho chính người lao động, góp phần thúc đẩy, tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục