Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về phạm vi đầu tư và các nội dung khác có liên quan để làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và triển khai theo đúng quy định, phù hợp với Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014.
Theo Quyết định số 561/QĐ-TTg, đường Vành đai 5 đi qua địa giới của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành gồm: TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 dài 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai và Quốc lộ 3). Trong đó, đoạn đi qua TP. Hà Nội là 48 km; đoạn đi qua tỉnh Hòa bình là 35,3 km; đoạn đi qua tỉnh Hà Nam là 35,3 km; đoạn qua tỉnh Thái Bình là 28,5 km; đoạn qua tỉnh Hải Dương là 52,7 km; đoạn qua tỉnh Bắc Giang là 51,3 km; đoạn qua tỉnh Thái Nguyên là 28,9 km và Vĩnh Phúc là 51,5 km.
Dự kiến, tuyến đường sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729 - 2012 (có đường gom, đường song hành, quy mô 4 - 6 làn xe) và tiêu chuẩn đường ô tô cấp II theo TCVN4054 - 05. Trên tuyến sẽ có 25 nút liên thông và các cầu vượt trực thông để đảm bảo liên hệ giao thông hai bên được thuận lợi; 2 vị trí hầm, mỗi hầm dài khoảng 300m; 17 cầu lớn, 42 cầu trung và 45 cầu nhỏ. Ước tính nhu cầu sử dụng đất để xây dựng tuyến được theo quy hoạch khoảng 1.532 ha.
Theo Quyết định nêu trên, ước tính nhu cầu vốn đầu tư đường Vành đai 5 – Vùng Thủ đô Hà Nội khoảng 85.561 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013), với 3 giai đoạn. Cụ thể giai đoạn trước năm 2020 là 19.760 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 là 32.175 tỷ đồng; giai đoạn sau 2030 là 33.626 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được huy động bằng nhiều hình thức: vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, đặc biệt có vốn đầu tư theo hình thức PPP từ các nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế.