Hạ tầng điện “đi trước một bước” đón sóng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều tổ chức tài chính cũng như các nhà đầu tư quốc tế đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong các lĩnh vực mới là công nghệ cao và kinh tế xanh. Để không bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm có một”, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành điện đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng điện, xương sống của nền kinh tế để đón sóng đầu tư.
Hàng loạt dự án điện đang được đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thái Bá
Hàng loạt dự án điện đang được đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thái Bá

Sức hút của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện mới đây cho thấy, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh. Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh thông tin này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024.

Đây cũng là đánh giá chung của nhiều hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh, trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, Việt Nam là một trong những địa điểm “được chọn”.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, quý I/2024, có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm: sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư này, ý kiến từ các nhà đầu tư đều nhấn mạnh, Việt Nam phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng điện để bảo đảm nguồn cung một cách ổn định, yêu cầu tiên quyết đối với những ngành công nghiệp công nghệ cao. Lo ngại và mong muốn này của nhà đầu tư là xác đáng, bởi thực tế vào mùa hè năm 2023 đã xảy ra hiện tượng thiếu điện cục bộ ở một số tỉnh/thành miền Bắc, ảnh hướng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Hóa giải thách thức về nguồn cung điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), một trong những mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất được nhấn mạnh là đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, bảo đảm điện đi trước một bước.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ: “Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Theo đó, định hướng phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để bảo đảm an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...)...

Hiện thực hóa nội dung Quy hoạch, ngày 1/4/2024, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Chính phủ ban hành. Ngày 3/4/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phổ biến thông tin đến các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Kèm theo Kế hoạch là danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư cụ thể của ngành đến năm 2030 nhằm bảo đảm cung ứng điện ổn định trong giai đoạn tới.

Tại Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Theo đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện; cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện hiện hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành khung giá cho các loại hình nguồn điện, nhất là nguồn năng lượng tái tạo, dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2025...

Giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi; phối hợp xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện...

Về phía doanh nghiệp, các tập đoàn năng lượng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và đang dồn lực thực hiện các dự án điện có trong quy hoạch để bảo đảm cung ứng điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn chủ động thực hiện các giải pháp cũng như hối thúc các đơn vị thành viên thực hiện đúng tiến độ các dự án trong Kế hoạch, Quy hoạch, nhất là Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc ngay từ mùa hè năm 2024. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiến độ để hoàn thành đóng điện các dự án mua điện nhập khẩu...

Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TKV cho biết, trong đầu tháng 4/2024, Tổng công ty và nhà thầu đã tổ chức khởi công Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II với tổng vốn đầu tư gần 4.100 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia. Đây là dự án nằm trong Quy hoạch điện VII và chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII.

Trên các công trường thi công Dự án Đường dây 500kV mạch 3 hay các công trường Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I..., hàng nghìn công nhân đang làm việc 3 ca 4 kíp, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, nỗ lực đưa công trình kịp về đích.

Với quyết tâm không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục có những chỉ đạo yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm cung ứng điện ổn định, chất lượng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.