Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Dự án Vành đai 4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh các dự án thành phần cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng khi triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Các công trình đường song hành Vành đai 4 đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang
Các công trình đường song hành Vành đai 4 đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang

Dự án có tổng chiều dài 113,52 km, đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần. Trong đó, 6 dự án thành phần giao UBND 3 tỉnh/thành phố làm cơ quan chủ quản để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương và 1 dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Đến nay, 3 địa phương đã phê duyệt phương án, thu hồi đất được 1.321,75 ha (khoảng 95%) và đang tập trung thi công xây dựng đường song hành, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

UBND TP. Hà Nội cho biết, Dự án gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng cơ chế chính sách về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Nghị quyết số 106/2022/NQ-CP. Cụ thể, thời hạn áp dụng cơ chế này là 2 năm, từ ngày 16/6/2022 - 16/6/2024, nhưng dự án PPP có nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng đang trong giai đoạn chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, dự kiến khi khởi công xây dựng hệ thống đường cao tốc thì cơ chế chính sách đặc biệt về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ hết hiệu lực.

UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế theo hướng “việc áp dụng chính sách đặc biệt về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được thực hiện đến khi kết thúc, hoàn thành Dự án”.

Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15, dự án được áp dụng cơ chế đặc biệt là “nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án”. Tuy nhiên, trữ lượng mỏ vật liệu lớn hơn khối lượng thực hiện của nhà thầu đề xuất, trong khi các nhà thầu khác trong cùng Dự án không có mỏ vật liệu và phải mua từ nguồn thương mại theo các mỏ đang đấu giá khai thác. Do vậy, khả năng cung ứng nguồn vật liệu bị phụ thuộc và có thể xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.

Về vấn đề này, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế theo hướng “cho phép các nhà thầu thi công khác trong cùng Dự án tiếp tục được khai thác phần trữ lượng còn lại của mỏ vật liệu đã được xác nhận mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù”.

Dự án thành phần 3 thuộc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh với các đường cao tốc và quốc lộ hiện có (cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 38, cao tốc Nội Bài - Hạ Long), trong đó bao gồm giải pháp bảo đảm thông suốt hệ thống đường song hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Dự án thành phần 3 dự kiến khởi công cuối năm 2024, hoàn thành cuối năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Trong khi đó, các công trình đường song hành đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Do đó, trong thời gian từ năm 2025 - 2027, hệ thống đường song hành chưa bảo đảm khả năng kết nối với các đường cao tốc và quốc lộ hiện có, cần có giải pháp kết nối để khai thác hiệu quả khi hệ thống đường song hành hoàn thành.

UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép 3 địa phương rà soát các dự án thành phần trong nhóm dự án đầu tư xây dựng đường song hành, nghiên cứu điều chỉnh dự án theo hướng điều chuyển hạng mục công trình nằm trong Dự án thành phần 3 bổ sung cho Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đường song hành để bảo đảm thông suốt hệ thống đường song hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố và kết nối thuận lợi với các đường cao tốc và quốc lộ hiện có. Việc điều chỉnh này sẽ làm tăng/giảm tổng mức đầu tư đã duyệt. Do đó, đề xuất Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội là cơ quan chủ trì rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất với UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về số liệu điều chỉnh tăng/giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần theo nguyên tắc không làm vượt tổng mức đầu tư sơ bộ của toàn Dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội.