Giảm bớt các thủ tục sẽ giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Dự thảo, dự kiến có 32 điều của Luật Đầu tư công phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ vì không phù hợp.
Than phiền từ các địa phương
Một trong những vướng mắt bị các địa phương “kêu” nhiều nhất trong gần 2 năm triển khai Luật Đầu tư công là thủ tục giao vốn còn rất rườm rà. Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện tại, bên cạnh khâu “kẹt” nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng, thì những thủ tục như phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế dự án… phải qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều tầng nấc kiểm tra. Phê duyệt quá nhiều thủ tục là nguyên nhân khiến nhiều dự án tại địa phương này chưa thể giải ngân được.
Năm 2017, đến thời điểm 30/6, Đà Nẵng mới giải ngân được gần 25% kế hoạch được giao từ đầu năm. Là địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm, nhưng do phải chờ cả các dự án nhỏ hoàn thiện thủ tục, nên tiến độ chung bị kéo chậm lại. “Thay vì quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn từ A đến Z như hiện nay, chỉ nên quy định Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch với các dự án lớn, quan trọng và có thể phê duyệt thêm danh mục khởi công mới”, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng nêu quan điểm.
Các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công cũng khiến tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn trong giải ngân theo kế hoạch được giao. Cụ thể là đến nay, Vĩnh Phúc chưa kiện toàn được Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực, nên có nhiều dự án dù đã có mặt bằng, được bố trí vốn nhưng không thể triển khai được, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Với TP. Hồ Chí Minh, việc các dự án điều chỉnh liên tục nhưng cứ điều chỉnh là phải xin phép HĐND, trong khi HĐND một năm chỉ họp có 2 kỳ, đang khiến nhiều dự án tại địa phương này rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, dự án có vốn nhưng phải “nằm chờ” được phê duyệt.
Bộ KH&ĐT thừa nhận, quy trình phân bổ vốn đầu tư công hiện nay “quá ôm đồm”. Việc ban hành Luật Đầu tư công là nhằm mục tiêu tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kiểm soát từng đồng tiền thuế của dân, nhưng quá trình thực thi lại vướng mắc.
Đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đang được Bộ KH&ĐT xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt. Ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn hoặc đề nghị điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn được giao phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, trên tinh thần đúng thẩm quyền và ưu tiên vốn cho các dự án kết thúc trong năm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công trong thời gian qua cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều vướng mắc ở khâu đối chiếu, thống nhất số liệu giải ngân thực tế giữa các bộ, ngành, địa phương với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, gây chậm trễ trong việc thông báo danh mục và số vốn.
“Về nguyên tắc, phải hoàn thành thủ tục theo trình tự từng bước, xong bước này mới thực hiện bước tiếp theo, nên chỉ cần chậm một khâu là kéo theo nhiều khâu phía sau bị chậm lại. Trong quá trình này, không loại trừ xuất hiện những khoảng “thời gian chết” do cơ quan thực thi không xử lý kịp thời trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Tháo gỡ khó khăn này, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án cắt giảm một số thủ tục, cho phép “gia hạn tự động giải ngân”. Cụ thể, sẽ sửa đổi nội dung này theo hướng tăng sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm bớt các thủ tục báo cáo, rà soát, thông báo lại… Đồng thời, bổ sung các điều kiện để được gia hạn thời gian thực hiện và giải ngân. Các cơ quan tổng hợp ở Trung ương chỉ làm công tác hậu kiểm và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
“Theo phương án này, khi kế hoạch giao vốn đã có, tới thời điểm thanh toán, hồ sơ thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư sẽ đối chiếu số liệu và thống nhất với Kho bạc Nhà nước tại địa bàn để xác định số vốn cụ thể được gia hạn giải ngân, sau đó báo cáo lại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Cách làm này giảm bớt đáng kể các thủ tục báo cáo, rà soát, tổng hợp và tăng thêm quyền chủ động cho các cấp thực hiện”, Bộ KH&ĐT phân tích.