Ảnh Internet |
Đầu tư công là chủ yếu
Vùng dân tộc thiểu số chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Tuy nhiên, đây lại là vùng có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, đời sống nhiều khó khăn. Từ thực tế này, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng chăm lo, hỗ trợ phát triển khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách, nguồn vốn đầu tư thiết thực.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đất ở sản xuất, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài cũng đóng góp đáng kể vào việc đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo TS. Lương Văn Khôi, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, đầu tư vào vùng dân tộc và miền núi thường chủ yếu là đầu tư công và đều tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ công, tăng trưởng kinh tế thông qua các chương trình đầu tư cụ thể. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư đã phát huy tác động và có hiệu quả tích cực, đã thu hút số lượng DN đầu tư vào vùng DT&MN với tỷ lệ hàng năm tăng khá.
Số liệu của Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các chính sách vùng dân tộc, thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 là 96.623,762 tỷ đồng. Trong đó, 2 Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững là 77.966 tỷ đồng; thực hiện các chính sách về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt là 768,781 tỷ đồng; thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người là 559,851 tỷ đồng; hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 17.329,13 tỷ đồng và tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, trung tâm trợ giúp xã hội, trung tâm hỗ trợ việc làm, cấp điện thôn, bản vùng sâu vùng xa, kiên cố hóa trường lớp…
Đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn lực
Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư cho khu vực này. Theo đại diện của Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do nhiều đầu mối quản lý, nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy, một số chính sách đã được ban hành nhưng không có nguồn lực để thực hiện như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
Các địa phương có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao có quy mô kinh tế còn thấp và cơ cấu ngành nông lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, nhu nhập bình quân đầu người thấp, thu hút nguồn lực đầu tư trên địa bàn thấp.
Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 52,66% số hộ nghèo của cả nước.
Đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho rằng, cần ưu tiên bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021- 2030 trong phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSTW thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021- 2030 bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương.
Liên quan tới nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong số các tỉnh dân tộc và miền núi thì có 5 địa phương (Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Phú Thọ) có số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký chiếm số lượng lớn so với các địa phương còn lại. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính tới thời điểm hiện nay, số dự án đầu tư vào 5 địa phương này là 1.264 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 25,137 triệu USD, trong đó có 1 số dự án đầu tư FDI lớn như: Dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics tại Thái Nguyên; Nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh); Dự án của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào các tỉnh dân tộc và miền núi trong giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương này cần được đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, mở rộng lĩnh vực đầu tư phù hợp với từng địa phương.
Ngoài ra, cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc tích lũy nguồn vốn nội địa cũng cần tăng cường, tạo đối trọng để thu hút và sử dụng vốn FDI hiệu quả tại các địa phương này.