Bán Dự án Quế Võ 3?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016, trong quý II/2016, Dabaco ghi nhận hơn 148 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động bán bất động sản (6 tháng đầu năm ngoái bằng 0). Đây là nguyên nhân chủ yếu giúp Công ty đạt 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II/2016, đưa kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay lên mức 309 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là 135 tỷ đồng.
Chưa có thuyết minh chi tiết về giao dịch bất động sản nào, nhưng dựa trên các thông tin thị trường và trao đổi của Ban lãnh đạo Dabaco tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, thì đây là kết quả của thương vụ bán Dự án Quế Võ 3, thuộc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển khu công nghiệp (EIP) - công ty con của Dabaco.
Nếu trừ đi nghiệp vụ này, thì thu nhập thường xuyên từ hoạt động kinh doanh chính của hệ thống Dabaco nửa đầu năm là 161 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, lớn hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, Dabaco theo đuổi Dự án Quế Võ 3 đã lâu, nhưng EIP mới được thành lập năm 2015, đến cuối năm 2015 vẫn tồn tại ở dạng cam kết góp vốn 628 tỷ đồng (bằng với vốn điều lệ EIP).
Nhiều điểm đáng lưu ý về hiệu quả kinh doanh
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2016, nửa đầu năm nay, công ty mẹ Dabaco ghi nhận 126,973 tỷ đồng lợi nhuận công ty con năm 2015, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 52,862 tỷ đồng. Lãi bán hàng trả chậm tăng lên gần 8 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái chỉ hơn 100 triệu đồng. Như vậy, lợi nhuận lớn nửa đầu năm nay chủ yếu đến từ việc hạch toán lợi nhuận của năm 2015, nên sẽ phải mất thêm thời gian để thị trường nhận ra được hiệu quả kinh doanh hiện tại của Dabaco.
Theo giải trình của Dabaco, không có một xu hướng chung cho diễn biến hiệu quả kinh doanh các mảng hoạt động của Công ty. Nửa đầu năm 2016, một số công ty con thua lỗ như: Công ty Chế biến thực phẩm, Công ty Đầu tư Phát triển chăn nuôi gia công (gà), Công ty Gà giống Lạc Vệ, Công ty Dabaco Tây Bắc… Bên cạnh đó, Công ty Sản xuất con giống gia súc, gia cầm có doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm một nửa (đạt 10,97 tỷ đồng so với con số 20,514 tỷ đồng nửa đầu năm 2015). Ngược lại, Công ty Chăn nuôi gia công lợn có sự chuyển mình ngoạn mục, từ lỗ 4,542 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước sang lãi 20,7 tỷ đồng.
Đối với mảng kinh doanh thức ăn gia súc, do giảm tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu, nên Dabaco đạt được hiệu quả kinh doanh khá cao. Nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán hàng Công ty mẹ giảm nhẹ từ 1.815 tỷ đồng về 1.781 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp tăng từ 252 tỷ đồng lên 295 tỷ đồng, với tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu giảm từ mức 86% về 83,4%.
Tương tự, tỷ lệ chi phí trên doanh thu đối với các hoạt động chăn nuôi gia công, chế biến thực phẩm, kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại… cũng giảm. Riêng mảng kinh doanh con giống, doanh thu tăng hơn 30%, nhưng do tỷ lệ chi phí trên doanh thu tăng mạnh, nên lợi nhuận gộp giảm từ mức 46 tỷ đồng về 39 tỷ đồng.
Ngoài các yếu tố trên, có 2 điểm đáng lưu ý đối với Dabaco là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm nay đều tăng, trong đó tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu tăng từ 2,4% lên 2,7%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 73,2 tỷ đồng lên 83,69 tỷ đồng.
Đặc biệt, dù có số dư tiền gửi khá lớn, nhưng quy mô sử dụng vốn vay của Dabaco cũng tăng. Kết thúc quý II/2016, Công ty có hơn 1.531 tỷ đồng vay ngắn hạn, 445,455 tỷ đồng vay dài hạn, tăng 22 tỷ đồng số dư vay ngắn hạn và gần 200 tỷ đồng vay dài hạn, trong khi đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (gồm các khoản gửi ngân hàng) tăng từ 273 tỷ đồng lên gần 371 tỷ đồng, chưa kể 152 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền.
Việc tăng số dư vay dài hạn trong khi có số dư tiền gửi khá lớn dường như chưa hợp lý, làm chi phí lãi vay của Dabaco tăng thêm gần 7 tỷ đồng, trong khi thu nhập lãi cho vay chỉ tăng 1,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.