Để hưởng lợi từ EVFTA, dệt may còn nhiều mối lo

(BĐT) - Dù ngành dệt may đã có nhiều bước cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất, lao động và sự hỗ trợ từ các địa phương, các cơ quan chức năng vẫn là những điểm đáng quan ngại hiện nay.
Lao động đã trở thành vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Lê Tiên
Lao động đã trở thành vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Lê Tiên

Dư địa xuất khẩu lớn

Số liệu thống kê cho biết, năm 2018, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU là khoảng 5,6 tỷ USD. Đây là con số lớn nhưng lại chỉ chiếm 2,02% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của EU. Trong các nền kinh tế thành viên của EU, Đức và Pháp là hai thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam. Năm 2018, Đức nhập khẩu hơn 1,5 tỷ USD, Pháp nhập khẩu hơn 1,2 tỷ USD hàng dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của các nước đó.

Về cơ hội của dệt may Việt Nam, nhất là khi EVFTA được thực thi, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét: “Dư địa tăng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, EU có một số thị trường nhỏ hơn nhưng dư địa vẫn rất hấp dẫn như Malta, Bulgaria”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã ở mức 21,9 tỷ USD, tăng đến 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo vị chủ tịch hiệp hội này, dệt may Việt Nam đã có được những bước đột phá chiến lược mạnh mẽ về công nghệ sản xuất. Đó là việc nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm điện khi phải đáp ứng các quy trình công nghệ cao hơn. Một số nhà máy đã chuyển sang nhuộm bằng khí và ozone thay cho dùng nước. Bên cạnh đó, sản phẩm sợi của Việt Nam cũng được thị trường các nước đón nhận. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD.

“Nhờ những bước tiến đó mà sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được đánh giá tích cực hơn trên thị trường thế giới. Do đó, chúng ta không quá quan ngại về việc đưa nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm dệt may Việt Nam ra cạnh tranh ở nước ngoài”, ông Giang nói. 

Không còn là chuyện của riêng doanh nghiệp

Đồng tình với ý kiến về những bước tiến của dệt may Việt Nam, song bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, ngành sản xuất này vẫn đứng trước nhiều thách thức để đáp ứng được các tiêu chuẩn của EVFTA, từ đó mới tận dụng được lợi thế của hiệp định này.

“Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng 90% nguyên phụ liệu dệt may vẫn được nhập khẩu từ các nước không thuộc diện được xét hưởng ưu đãi của EU. Đây là thách thức lớn nhất của ngành hiện nay. Việc sản xuất sợi đã có tiến bộ, nhưng có sợi mà không thể dệt và nhuộm được ở Việt Nam thì cũng không đáp ứng yêu cầu”, bà Trang bình luận.

Liên quan đến câu chuyện dệt và nhuộm, vị Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, hiện có tình trạng quản không được nên từ chối luôn cả việc dệt và nhuộm ở các địa phương. “Cần cái nhìn công bằng, chính xác với những vấn đề hiện nay theo hướng vướng ở đâu thì xử lý ở đó. Do đó, cần sự phối hợp của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện và đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường trong dệt, nhuộm. Đây không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp”, bà Trang nói.

Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác của ngành này là nguồn nhân lực, trong khi đây đã từng là lợi thế để dệt may Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Lao động trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam từng được đánh giá cao ở 3 điểm là sự khéo léo, chi phí và số lượng. “Hiện nay, nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo thì máy móc có thể làm được, giá lao động Việt Nam đã không còn rẻ trong so sánh với một số nước khác, lực lượng lao động bổ sung giảm do dân số già đi. Đây là những điểm đáng quan ngại”, bà Trang nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đức Giang nói thêm: “Với các quy định mới, chi phí cho nhân công dệt may của Việt Nam hiện rất cao. Mức lương trung bình của họ là 300 - 450 USD/tháng/người tùy khu vực, cao hơn nhiều mức lương khoảng 150 USD/tháng/người của lao động ở các nước Myanmar, Bangladesh… Bên cạnh đó, công tác đào tạo cho ngành dệt may vẫn còn rất yếu”.

Do đó, ông Giang kiến nghị, cần đẩy mạnh phát triển các cơ sở đào tạo cho ngành dệt may để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng các yêu cầu cao hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp về nhiều mặt như đảm bảo cho các cơ sở được sản xuất dệt và nhuộm ở địa phương, nghiên cứu đưa các tiêu chuẩn về môi trường theo EVFTA vào các quy định pháp lý, sớm công bố những dòng thuế với từng mặt hàng được hưởng ưu đãi theo EVFTA để doanh nghiệp chủ động nắm bắt.