Đề xuất 13 giải pháp phát triển mô hình kinh tế chia sẻ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 13 giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển mô hình KTCS. Các đề xuất nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của mô hình này.

Mô hình kinh tế chia sẻ đã có tác động tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; góp phần tăng tính cạnh tranh và minh bạch của thị trường… Ảnh: Lê Tiên
Mô hình kinh tế chia sẻ đã có tác động tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; góp phần tăng tính cạnh tranh và minh bạch của thị trường… Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, một số giải pháp điển hình được đề xuất như: hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý KTCS, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong KTCS, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình KTCS; nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam; chủ động giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội trong thúc đẩy mô hình KTCS….

Theo Dự thảo Báo cáo, mô hình KTCS đã có tác động tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; góp phần vào khuyến khích kinh doanh, mở rộng và tăng quy mô thị trường, mở rộng phạm vi không gian của các giao dịch kinh tế; góp phần tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế… Tuy vậy, phát triển các loại hình KTCS có thể làm gia tăng mức độ phụ thuộc vào bên ngoài, tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với an ninh, an toàn của nền kinh tế…