Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo nhiều ý kiến, những vướng mắc phát sinh thời gian trước đây là do yếu kém trong tổ chức thực hiện, nên cơ chế đặc thù với dự án PPP nếu được áp dụng cho TP.HCM cần triển khai thực hiện một cách thận trọng, rút kinh nghiệm từ những bài học trước đó để tránh lặp lại câu chuyện buồn của đầu tư BOT giai đoạn trước.
Tại Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Chính phủ đề xuất nhiều nội dung liên quan đến đầu tư các dự án theo phương thức PPP, trong đó đề xuất được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Lo ngại có thể xảy ra những xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân như tại một số dự án trước đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ngày 30/5/2023, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam) dẫn chứng những xung đột từng xảy ra ở một số địa phương và không thể giải quyết được. Ông Khải cho rằng, không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Vấn đề xảy ra tại những dự án BOT đầu tư trên đường hiện hữu gặp phản ứng của người dân đã dẫn đến nhiều dự án phải ngừng thu phí hoặc điều chỉnh phương án thu phí, giảm lưu lượng xe, không đạt phương án tài chính. Từ đó, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp dự án, suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào dự án PPP hạ tầng giao thông đường bộ.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, những vướng mắc với dự án BOT trên đường hiện hữu trước đây chủ yếu do tổ chức thực hiện, nếu có thể khắc phục được thì việc có cơ chế đặc thù đối với dự án PPP tại TP.HCM để huy động thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tạo ra hệ lụy, các dự án đầu tư theo hình thức này phải bảo đảm quyền lợi của người dân. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về PPP...
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì xét về yêu cầu thực tiễn, cần có cơ sở pháp lý để huy động thêm nguồn lực cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trên địa bàn TP.HCM. Xét về căn cứ pháp lý, Luật PPP không bó hẹp các dự án BOT chỉ được áp dụng đối với tuyến đường mới và theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải áp dụng theo quy định của Luật PPP. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, những vướng mắc phát sinh thời gian trước đây là do yếu kém trong tổ chức thực hiện, không phải do quy định pháp luật. Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị Chính phủ quy định trách nhiệm lựa chọn những công trình thật sự phù hợp với tính chất BOT; cần đưa ra nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích, không tạo gánh nặng thuế, phí cho người dân, không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; tránh xảy ra khiếu kiện.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, phải quy định chặt chẽ ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, cần quy định các điều kiện bảo đảm tính chất của dự án BOT đối với đường đô thị (nội đô), phải nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa, tránh trường hợp "công trình đường bộ hiện hữu có sẵn sau đó đầu tư một chút và thu phí". Thứ hai, Dự thảo Nghị quyết có quy định việc bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng quy định còn rất chung, cần được cụ thể hóa.
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) chia sẻ, Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Nghị quyết đã xác định chỉ có từ 3 - 5 công trình sẽ được thực hiện, gồm cả công trình đường trên cao. TP.HCM thiếu nguồn lực trong khi quy mô các dự án này quá lớn, có những dự án nhu cầu vốn cần đến gần 10.000 tỷ đồng, nên việc áp dụng loại hợp đồng BOT là cần thiết. Theo ông Vận, Dự thảo Nghị quyết đã quy định các điều kiện để bảo đảm hiệu quả chính sách khi thực hiện: TP.HCM ban hành danh mục dự án và tổ chức giám sát bảo đảm quyền lợi của người dân; công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận lợi cho người dân giám sát; cho phép áp dụng chính sách nêu trên đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch được duyệt. Khi thực hiện sẽ có các quy định để nhận được sự đồng thuận của người dân, tránh các trường hợp người dân khiếu kiện và quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan...