Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN) |
Theo đơn vị đề xuất, hiện nay, đoạn tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ đang được triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Do đó, việc xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là cần thiết và có vai trò quan trọng để phát huy hết năng lực khai thác đoạn tuyến cao tốc này.
Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu. Dự án có điểm đầu tại km100+750 (giao giữa đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với Quốc lộ 30, tỉnh Tiền Giang). Điểm cuối tại km107+560 (giao giữa đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ với Quốc lộ 80, tỉnh Vĩnh Long).
Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư là 5.534 tỷ đồng (khoảng 247 triệu USD) trong đó nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản-JICA) là 4.643 tỷ đồng (208 triệu USD) cho hạng mục xây lắp và dịch vụ Tư vấn. Riêng hạng mục giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án sẽ sử dụng vốn đối ứng ngân sách trong nước lên tới 890,8 tỷ đồng (39,90 triệu USD).
Cầu Mỹ Thuận 2 với có kỹ thuật dạng dây văng, quy mô mặt cắt ngang dự kiến 25m (có 6 làn xe cơ giới). Thời gian xây dựng dự kiến 36 tháng.
Để có thể triển khai dự án, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án xây đựng cầu Mỹ Thuận 2 sừ dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong đó cơ chế tài chính trong nước được thực hiện theo phương án cấp phát toàn bộ phần vốn vay ODA (JICA) và vốn đối ứng để thực hiện; cho phép Ban tiếp cận với JICA và một số đối tác liên quan trong việc thúc đẩy nhanh việc kêu gọi vốn ODA cho dự án, lập các tài liệu nghiên cứu trước chuẩn bị thủ tục cho các bước trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án./.