Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi. (Ảnh minh họa) |
Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điện gió tại các cuộc họp tham vấn; ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho thấy còn nhiều vướng mắc về pháp lý và vướng mắc về kỹ thuật.
Theo đó, trong thời gian xử lý, tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển được nêu tại Văn bản số 231/TB-VPCP ngày 5/8/2022 COP26 hoặc đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP và các nội dung kỹ thuật khác được ban hành.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được được các đề xuất đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển để tổ chức thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, trong đó có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước. Trong số này có 1 đề xuất đo gió đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận (do nhà đầu tư trong nước đề xuất, diện tích 36 m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre. Chấp thuận này không bao gồm nội dung đo đạc, khảo sát độ sâu đáy biển, đặc điểm đáy biển, các thông số hải dương…) và 19 đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển để lập các dự án điện gió ngoài khơi đã được Bộ lấy ý kiến các đơn vị theo quy định.
Tổng công suất đề xuất là trên 100 GW, đề xuất có công suất nhỏ nhất là 0,5 GW, đề xuất có công suất lớn nhất là 6 GW. Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km, một số đề xuất có diện tích khảo sát lên tới trên 3.000 km như: Dự án Điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất, Dự án Điện gió ngoài khơi Bắc Thanh Hóa do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Trường Thịnh đề xuất.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương có biển, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi (100% là của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào) thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của UBND cấp tỉnh.