Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ về khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Theo đó, khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) từ ngày 01/01/2018 đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh quá 01 năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Thời gian không tính tiền chậm nộp tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Cơ quan quản lý thuế thực hiện tính tiền chậm nộp và thu vào ngân sách đối với khoản tiền chậm nộp trên khi người nộp thuế quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khoanh nợ là việc Nhà nước tạm thời chưa thu một phần hoặc toàn bộ nợ thuế (gồm tiền nợ thuế và tiền chậm nộp, tiền phạt) của người nộp thuế trong thời gian nhất định và không tính tiền chậm nộp phát sinh đối với số nợ thuế chưa thu trong thời gian được khoanh nợ.
Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp
Dự thảo cũng nêu rõ, xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán.
Xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng. Mức xóa tiền chậm nộp thuế, không vượt quá giá trị thiệt hại.
Các trường hợp khó khăn bất khả kháng bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước chậm trả lời, chậm thông báo, thay đổi quy hoạch/kế hoạch làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; ngân sách nhà nước chậm thanh toán; doanh nghiệp nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa thực hiện giảm vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp; đối tác trong nước hoặc người ngoài phá sản; những trường hợp theo quy định của pháp luật về dân sự.
Xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 01/01/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nêu trên, Cơ quan quản lý thuế phối hợp với Sở kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và các Sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra tình hình thực tế không còn khả năng nộp ngân sách của doanh nghiệp (tài khoản ngân hàng; tài sản; công nợ; thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh...) và lập hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Về thẩm quyền xử lý: Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý thuế sau khi phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường nơi có địa chỉ đăng ký kinh doanh xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động kinh doanh ở địa chỉ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.