Đi vay, Chính phủ Nhật được trả lãi

Đang diễn ra một câu chuyện “ngược đời” là Chính phủ Nhật được trả lãi khi đi vay tiền...
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất giảm đem đến cho Chính phủ Nhật một cơ hội để đẩy mạnh các biện pháp kích thích bằng tài khóa nhằm vực dậy tăng trưởng - Ảnh: WSJ/Bloomberg.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất giảm đem đến cho Chính phủ Nhật một cơ hội để đẩy mạnh các biện pháp kích thích bằng tài khóa nhằm vực dậy tăng trưởng - Ảnh: WSJ/Bloomberg.

Đang diễn ra một câu chuyện “ngược đời” là Chính phủ Nhật được trả lãi khi đi vay tiền. Theo tin từ tờ Wall Street Journal, ngày 1/3, Chính phủ Nhật đã lần đầu tiên bán được trái phiếu với lợi suất âm.

Phiên bán đấu giá trái phiếu nói trên diễn ra sau 3 năm Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy lãi suất giảm sâu nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Trong khoảng thời gian này, BoJ ban đầu mua vào một lượng khổng lồ trái phiếu chính phủ Nhật và các tài sản khác. Gần đây nhất, vào tháng 1 vừa qua, BoJ lần đầu tiên hạ lãi suất về ngưỡng âm đối với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương.

Động thái hạ lãi suất xuống dưới 0% của BoJ đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đang lưu hành vào dư địa âm. Tuy nhiên, loại trái phiếu này chưa bao giờ được bán với mức lợi suất âm tại một cuộc đấu giá - đồng nghĩa với việc người mua trái phiếu nhất trí ngay từ đầu phải trả tiền để được cho nhà phát hành trái phiếu vay tiền.

Điều này đã thay đổi vào ngày 1/3 khi Bộ Tài chính Nhật bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cuống phiếu 0,1% tại mức giá trung bình 101,25 Yên. Mức lãi suất cuống phiếu và giá trái phiếu này đồng nghĩa với lợi suất âm 0,024% nếu trái phiếu được giữ tới khi đáo hạn.

Trước khi diễn ra cuộc đấu giá, giới phân tích đã bày tỏ lo ngại về nhu cầu của thị trường, cho rằng nhiều người mua có kế hoạch bán lại cho BoJ để chốt lời nhanh. Những giao dịch như vậy sẽ diễn ra trên cơ sở kỳ vọng lợi suất trái phiếu kho bạc Nhật tiếp tục giảm khi BoJ đẩy mạnh việc mua tài sản và hạ lãi suất.

Chiến lược gia Shuichi Ohsaki của Bank of America Merrill Lynch tại Nhật cho rằng thị trường trái phiếu kho bạc Nhật có thể trở nên đông người bán kẻ mua hơn với những giao dịch mang tính đầu cơ như vậy, dẫn tới mức độ bất ổn cao hơn.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất giảm đem đến cho Chính phủ Nhật một cơ hội để đẩy mạnh các biện pháp kích thích bằng tài khóa nhằm vực dậy tăng trưởng. Nợ công của Nhật hiện đã lớn gấp hơn 2 lần quy mô của nền kinh tế, và Chính phủ nước này hiện đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng giới chuyên gia cho rằng Tokyo sẽ đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu.

Ông Heizo Takenaka, một cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật hiện đang giữ vai trò cố vấn cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nói Chính phủ nước này nên chuẩn bị một gói kích cầu trị giá khoảng 50 tỷ USD trong năm nay.

“Chính phủ nên phát hành trái phiếu cần thiết, bởi lãi suất đã dưới 0 rồi”, ông Takenaka phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước. “Một nền tài khóa lành mạnh chỉ có thể đạt được nhờ nền kinh tế mạnh”.

Nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế lập luận rằng mức nợ khổng lồ của Nhật không phải là sự phản ánh thực chất tình trạng nền tài chính công của nước này, bởi 90% số nợ này nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước.

Vào cuối tháng 1, BoJ đã có động thái chưa từng có tiền lệ là áp lãi suất âm 0,1% đối với một phần tiền gửi bằng đồng nội tệ của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương. Với động thái này, BoJ gia nhập “đội ngũ” nhiều ngân hàng trung ương ở châu Âu sử dụng lãi suất âm để chống chọi với tăng trưởng yếu và lạm phát thấp. Lãi suất âm của BoJ có hiệu lực từ ngày 16/2.

Ngày 9/2, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên rơi vào lãnh địa âm.

Đến ngày 1/3, các nhà đầu tư nhận lợi suất âm 0,06% đối với trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm. Như vậy có nghĩa là một nhà đầu tư cho Chính phủ Nhật vay 10.000 Yên trong 10 năm sẽ phải trả 6 Yên mỗi năm để được cho vay số tiền này.

Lợi suất siêu thấp của trái phiếu chính phủ ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới khi các chính phủ thực thi chính sất lãi suất tiền tệ nới lỏng quyết liệt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 1,17%, trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đem lại mức lợi suất 0,11%, còn trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn cùng kỳ hạn có mức lợi tức 1,34%.

Tin cùng chuyên mục