Dịch chuyển sang nền kinh tế xanh

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dịch chuyển sang nền kinh tế xanh với những cam kết phát triển bền vững, thân thiện môi trường hiện đang là xu hướng của các doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam...

Để giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh đang là xu hướng được nhiều quốc gia chú trọng và lựa chọn. Ảnh: Nhã Chi
Để giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh đang là xu hướng được nhiều quốc gia chú trọng và lựa chọn. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông Vũ Đại Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những cam kết và xu hướng đó sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo chúng ta có cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, không chỉ cho người dân của một quốc gia nào, mà vì lợi ích chung của cả nhân loại.

Xu hướng tất yếu

Thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến môi trường do ô nhiễm nguồn nước, không khí, ô nhiễm các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy… bắt nguồn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Để giảm thiểu rủi ro từ quá trình này, hướng tới một nền sản xuất xanh hơn, sạch hơn, tăng trưởng xanh đang là xu hướng được nhiều quốc gia chú trọng và lựa chọn. Theo nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế, đây cũng là nội dung chủ đạo của phát triển bền vững có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Theo đó, các tập đoàn trên thế giới ngày càng cam kết thúc đẩy nhanh việc dịch chuyển sang nền kinh tế xanh. Năm 2019, Chủ tịch Tập đoàn Unilever toàn cầu đã cam kết sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng cường thành phần nhựa tái chế trong sản xuất bao bì đến năm 2025; Heineken đưa ra thông điệp tới 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế…

Xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và yêu cầu cao hơn về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo nên xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đến nay, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế. Đất nước ta trở thành một những điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu; đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực.

Theo ông Vũ Đại Thắng, kết quả này đạt được là nhờ cùng với những giải pháp, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quan điểm, giải pháp, chính sách phát triển bền vững đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm xuyên suốt trong các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Chiến lược 10 năm vừa qua. Trong giai đoạn này, một chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược hướng tới 3 mục tiêu lớn. Đó là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; và nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Cụ thể hóa chiến lược này nhằm đạt mục tiêu đề ra, nhiều hoạt động thiết thực từ xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân… đã được triển khai trên thực tế.

Những chuyển biến tích cực

Hướng tới phát triển bền vững, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới sự phát triển bền vững.

Là một DN tiên phong hoạt động trong lĩnh vực dệt nhuộm - lĩnh vực được xem là có thể nguy hại tới môi trường nếu chất thải của ngành này không được xử lý, ngay từ năm 2000, Công ty CP Sợi Thế Kỷ quyết định đầu tư máy móc và thiết bị tiên tiến do Oerlikon Barmag của châu Âu cung cấp. Công nghệ này được đánh giá đảm bảo độ chính xác cao, chất lượng ổn định, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Hiện Sợi Thế Kỷ là một trong những DN thuộc Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 100 DN phát triển bền vững…

Để xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện than, vừa qua, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 - chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ và xử lý tro, xỉ với các đối tác thương mại nhằm vận hành Nhà máy với tiêu chí “tiên tiến - tin cậy - màu xanh".

Năm 2017, Công ty Heineken Việt Nam thông báo rằng 99,01% sản phẩm phụ và rác thải của Công ty trong quá trình sản xuất sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế...

Nhất quán quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”, hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào các KCN, KCX rất chú trọng thu hút các ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường… Đơn cử việc thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, ông Bùi Minh Hồng, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, trong thẩm định đầu tư, Ban luôn xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, các dự án sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hồng, thời gian qua, có một số dự án với tỷ suất đầu tư cao đăng ký đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhưng Ban đã tham mưu với Tỉnh từ chối những dự án này. Lý do là trong quá trình thẩm định hồ sơ, Ban này nhận thấy dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên cơ sở cân nhắc lợi ích kinh tế của dự án đem lại so với chi phí đất đai, tài nguyên nước, xử lý môi trường, ưu đãi, sự quan ngại của các nhà đầu tư trong tương lai khi thực hiện đầu tư vào KCN có các vấn đề về môi trường…

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động của đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang dịch chuyển sản xuất để giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Trong xu hướng đó, với những kết quả tích cực trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, phòng chống dịch Covid-19…, nước ta đang là điểm đầu tư hấp dẫn. Để đón sóng đầu tư mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững, trong Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, chúng ta ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…

Hướng tới phát triển năng lượng bền vững, dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được đưa ra lấy ý kiến hiện nay sẽ ưu tiên phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiệt điện than nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Chẳng thế mà, Nhóm Công tác điện và năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá, năm 2019 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có hàng trăm dự án năng lượng tái tạo, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện đang hiện hữu. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố cũng cho thấy, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2020, cả nước đã lắp đặt 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 541,66 MWp…

Không chỉ khuyến khích thúc đẩy đầu tư xanh, câu chuyện mua sắm công xanh cũng đang được nhiều người nhắc tới ở Việt Nam hiện nay. Một số cơ quan nghiên cứu về mua sắm công xanh cũng nhận xét, hiện khung chính sách mua sắm công xanh đã theo kịp các nước trong khu vực. Chúng ta đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2011 - 2020, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thuế môi trường; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Đấu thầu… Theo ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc thúc đẩy mua sắm công xanh sẽ gián tiếp điều chỉnh hoạt động bên cung cấp là các nhà sản xuất, buộc họ phải thay đổi công nghệ, hành vi, nhằm có thể cung cấp được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn mà bên mua yêu cầu. Qua đó, mua sắm công xanh được xem như là một công cụ quan trọng để điều tiết thị trường hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững với môi trường.