Điểm đến an toàn cho dòng đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sức chống chịu kiên cường, sự ổn định, vững vàng và đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam cộng với cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ tạo điểm nhấn hấp dẫn, giữ chân, thu hút nhà đầu tư chọn Việt Nam trong một thế giới đầy biến động. Năm 2022, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, cùng với đó là rất nhiều dự án tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Trong năm 2022, Samsung đã nhiều lần tăng vốn đầu tư các dự án tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi
Trong năm 2022, Samsung đã nhiều lần tăng vốn đầu tư các dự án tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều tập đoàn toàn cầu đặt niềm tin vào Việt Nam

Ngày 23/12/2022, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam (Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội) chính thức được khánh thành. Theo Samsung, với việc đưa vào hoạt động Trung tâm R&D có quy mô đầu tư 220 triệu USD, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về R&D có quy mô lớn tại Việt Nam. Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm ngoái, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn này trên toàn cầu.

Theo lãnh đạo Samsung, tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Tập đoàn được sản xuất tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu. Ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động R&D tại Việt Nam, đào tạo, phát triển nhân lực có thể đáp ứng môi trường làm việc toàn cầu, phối hợp với phía Việt Nam để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa cả phần cứng và phần mềm.

Trước đó, trong năm 2022, Samsung đã nhiều lần tăng vốn đầu tư các dự án tại Việt Nam. Có thể kể đến Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng 920 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD…

“Ông lớn” khác của Hàn Quốc là LG cũng không giấu những tham vọng, mục tiêu đầu tư tại Việt Nam. Đầu tháng 12/2022, trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Thủ đô Seoul, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LG Kwon Bong-seok cho biết, Tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD. LG mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai. LG đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, với tổng vốn đến nay là 5,3 tỷ USD. Tập đoàn có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 12/2022, ông Andy Campion, Giám đốc điều hành Nike cho biết, mạng lưới nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn gồm 191 nhà máy giày dép tại 14 quốc gia, 344 nhà máy may mặc tại 33 quốc gia, trong đó nguồn cung ứng lớn nhất là tại Việt Nam. Công ty TNHH Nike Việt Nam thành lập từ năm 1995 với mạng lưới hơn 200 nhà máy đối tác tại 20 tỉnh, thành phố và hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng; gián tiếp tạo việc làm cho gần 500.000 lao động. Hiện nay, Nike sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày mỗi năm và 50% trong số đó được sản xuất tại Việt Nam, 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng từ Việt Nam. Ông Andy Campion tin tưởng và mong muốn, Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đánh giá, Việt Nam đang thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư mới và có nhiều lợi thế trong tiếp nhận xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Đại diện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, đưa vào thị trường Việt Nam những sản phẩm mới, công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dân số, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo...

Dòng tiền thật chảy mạnh vào nền kinh tế

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan có nhiều cuộc làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, nhà ĐTNN nói riêng để duy trì hoạt động, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đổi mới kinh tế toàn diện và đồng bộ, cải cách môi trường kinh doanh để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động. Việt Nam coi khu vực có vốn nước ngoài là cấu phần quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, trên tinh thần hợp tác chân thành, “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thực tế, năm 2022, Việt Nam thu hút 27,72 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy thấp hơn năm 2021, nhưng được đánh giá là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới. Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh tăng cả về giá trị cũng như số lượt dự án so với năm 2021, với mức tăng lần lượt là 12,2% và 12,4%. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong năm 2022. Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng này đã khẳng định niềm tin của nhà ĐTNN đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư an toàn của Việt Nam.

Trong năm qua, những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút ĐTNN. TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với năm 2021. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021…

Đặc biệt, năm 2022, vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Cục ĐTNN nhận định, đây là tín hiệu tốt, cho thấy các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, vốn đầu tư thực hiện mới là con số quan trọng cho thấy nhà ĐTNN đã rót vốn thực vào nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thu hút nhiều tập đoàn lớn như Apple, Dell, GE, Intel, Microsoft, Samsung… đã góp phần quan trọng gia tăng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục