Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU

Thủ tướng Anh có thể phải từ chức, kinh tế rơi vào suy thoái và động thái này còn châm ngòi cho sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU).

Cuối tháng này, người Anh sẽ làm việc mà chưa quốc gia nào thực hiện trước đó - bỏ phiếu có nên rời EU hay không. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Anh vẫn chưa nghiêng hẳn về ý kiến nào cả. Vì thế, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 này rất khó đoán.

Những người ủng hộ rời khỏi EU thì cho rằng các điều luật của khối này đang bóp nghẹt doanh nghiệp Anh. Vì vậy, rời đi sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Họ cũng cho rằng Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát biên giới và hạn chế được người nhập cư.

Trong khi đó, những người ủng hộ ở lại - trong đó có cả Chính phủ Anh - thì vẽ ra bức tranh khá u ám nếu rời EU. Họ cho rằng thương mại và đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, châm ngòi cho suy thoái, thất nghiệp, đồng bảng mất giá và giá nhà lao dốc.

Cuộc bỏ phiếu này là quyết định lớn nhất mà Anh phải đối mặt trong vài thập kỷ gần đây. Quyết định rời đi sẽ có tác động đến cả Anh và châu Âu trong vài thập kỷ tới. Vấn đề lớn nhất là không ai biết chính xác điều đó sẽ diễn ra như thế nào.

1. Khủng hoảng Chính phủ

Thủ tướng Anh - David Cameron sẽ phải đối mặt với áp lực từ chức lớn. Ông đã vận động kêu gọi Anh ở lại EU. Nhưng chính nội bộ Đảng bảo thủ và chính quyền hiện tại cũng chia rẽ về vấn đề này.

Một nhân viên đang trả lời điện thoại trong văn phòng nhóm vận động rời EU. Ảnh:Reuters

Cựu thị trưởng London - Boris Johnson là người đứng đầu chiến dịch vận động rời EU và có thể là ứng cử viên thay thế ông Cameron. Ông cũng là người đảng Bảo thủ.

Một khi Anh rời EU, họ sẽ không thể quay đầu lại. Anh sau đó sẽ có 2 năm đàm phán về việc rời EU.

2. Biến động kinh tế

Chính phủ Anh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Janet Yellen, Tổng thống Mỹ - Barack Obama và nhiều lãnh đạo thế giới khác đều đã cảnh báo rời EU sẽ ảnh hưởng xấu đến Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Họ lo lắng về tác động lên thương mại. Nếu rời đi, Anh sẽ mất quyền tự do giao thương với các nước còn lại trong EU - thị trường tiêu thụ 45% hàng xuất khẩu của Anh. Nếu tính đến các dịch vụ của Anh, như ngân hàng hay bảo hiểm, EU thậm chí là thị trường lớn hơn.

Trong khi đó, những người ủng hộ ra đi cho rằng Chính phủ có thể đàm phán một hiệp định tự do thương mại mới. Nhưng dĩ nhiên, không quốc gia nào ngoài khối EU có quyền lợi tiếp cận thị trường châu Âu mà không phải đóng góp vào ngân sách EU, hoặc chấp nhận tự do di cư. Đây là những quy định bị phản đối bởi những người ủng hộ rời đi.

Đầu tư và lao động cũng có thể chịu tác động. Rất nhiều công ty Mỹ đầu tư mạnh vào Anh và coi đây là cửa ngõ tiếp cận toàn EU. Vì thế, họ có thể thu hẹp quy mô tại Anh nếu việc này xảy ra.

Các nước khác trong EU đã rót 496 triệu bảng (708 triệu USD) vào Anh năm 2014 - chiếm gần nửa đầu tư nước ngoài. Những người vận động ở lại EU cho biết dòng tiền này sẽ giảm nếu Anh rời đi.

Nhiều công ty đang bán các mặt hàng sản xuất từ nhà máy tại Anh sang các nước EU khác. Và nếu Anh rời đi, việc này sẽ khó khăn hơn.

Quan chức Anh cho biết khoảng 820.000 việc làm sẽ bị mất nếu Anh rời EU. Một số doanh nghiệp toàn cầu đã ám chỉ có thể chuyển nhân sự khỏi Anh. Gần đây nhất là JPMorgan. Đây là hệ quả một số nhà vận động rời EU cũng phải thừa nhận.

3. Điều gì sẽ xảy ra với người di cư?

Di cư cũng là chủ đề nóng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của EU là người dân được tự do di chuyển. Tức là họ được quyền sống và làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong 28 nước thành viên EU.

Những người ủng hộ Anh rời EU thì cho rằng rời khối này sẽ giúp Anh có quyền quyết định sẽ chấp nhận người nhập cư nào.

Tuy nhiên, việc rời EU cũng làm dấy lên câu hỏi về số phận của gần 3 triệu người thuộc các nước EU khác hiện sống tại Anh. Những người vận động ra đi cho rằng họ sẽ được cho phép ở lại. Nhưng trong tương lai, những trường hợp thế này sẽ cần visa.

Việc này cũng sẽ tác động đến gần 1,2 triệu người Anh đang sống tại các nước EU khác. Do họ có thể mất quyền tự do đi lại và tiếp cận các lợi ích khác, như y tế.

4. Hiệu ứng domino

Anh rời EU có thể sẽ châm ngòi cho thời kỳ biến động tại châu Âu. EU đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư tồi tệ nhất 70 năm qua. Bên cạnh đó là nền kinh tế yếu kém với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Những người ủng hộ EU đang giảm mạnh. Một nghiên cứu tuần này của Pew Research Center cho thấy khoảng 47% người được khảo sát tại 10 quốc gia thành viên tỏ ra bất mãn với khối này.

Lãnh đạo EU cũng lo lắng nếu Anh rời đi, các nước khác có thể sẽ nối gót. Việc này sẽ khiến EU dần tan rã, gây hậu quả lớn cho kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu.

Mối đe dọa trực tiếp hơn là Vương quốc Anh có thể tan rã. Lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland đã cho biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh, nếu Anh rời EU. Người Scotland cũng được cho là sẽ bỏ phiếu giữ Anh ở lại EU.

Tin cùng chuyên mục