Điều gì xảy ra khi chính phủ Mỹ đóng cửa?

Khi chính phủ Mỹ đóng cửa, các cơ quan được cho là không thiết yếu sẽ buộc phải ngừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ phép hàng loạt.
Tấm biển thông báo tất cả các công viên quốc gia đều ngừng hoạt động trong thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 2013. Ảnh:AFP.
Tấm biển thông báo tất cả các công viên quốc gia đều ngừng hoạt động trong thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 2013. Ảnh:AFP.

Quốc hội Mỹ đang chạy đua với thời gian để tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa trước hạn chót vào nửa đêm 19/1 (giờ địa phương). Nguy cơ này nổi lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, không đạt được thoả thuận về ngân sách chính phủ sau cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Theo CNN, đóng cửa chính phủ không đồng nghĩa với việc mọi cơ quan, chương trình hay dịch vụ do liên bang tài trợ sẽ dừng lại. Chỉ những ai làm việc cho các cơ quan, phòng ban bị coi là "không cần thiết" sẽ ngừng hoạt động cho đến lúc quốc hội thống nhất thông qua dự luật ngân sách liên bang mới.

Nhân viên thuộc các phòng ban trên sẽ được cho "nghỉ phép". Trong các lần trước đây, tất cả những nhân viên phải nghỉ phép khi chính phủ đóng cửa đều có thể nhận lương sau khi quốc hội thông qua dự luật ngân sách mới.

Với lần đóng cửa chính phủ hồi năm 2013, mỗi ngày, khoảng 850.000 nhân viên nhà nước được cho nghỉ phép, theo báo cáo từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ.

Tổng thống Trump hôm nay thừa nhận nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa, đồng thời đổ lỗi cho đảng Dân chủ. Ông tuần trước viết trên Twitter rằng nỗ lực đe dọa đóng cửa chính phủ của phe Dân chủ có thể "làm ngừng mọi hoạt động của quân đội tại thời điểm mà chúng ta cần họ nhất".

Tuy nhiên, nếu chính phủ Mỹ đóng cửa, quân đội được coi là cơ quan cần thiết và vẫn thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, các binh sĩ, bao gồm cả những người ở ngoài chiến trường, có nguy cơ không được trả lương trong thời gian này. Bên cạnh đó, rất nhiều nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không làm việc nếu chính phủ đóng cửa, kể cả các giảng viên tại những học viện quân sự hay các nhà thầu bảo trì.

Đội ngũ của công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách điều tra nghi án chiến dịch tranh cử cho ông Trump thông đồng với Nga can thiệp kết quả bầu cử Mỹ cũng tiếp tục hoạt động.

"Tất cả nhân viên làm việc cho văn phòng của công tố viên đặc biệt đều được miễn trừ và vẫn tiếp tục công việc", một phát ngôn viên Bộ Tư pháp cho biết.

Nhưng nếu ai có ý định tới thăm các công viên quốc gia, sở thú, viện bảo tàng... nên hủy kế hoạch bởi tất cả chúng đều bị đóng cửa. Tình trạng đóng cửa chính phủ còn ảnh hưởng tới Cục Kiểm soát Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ, đồng nghĩa việc cấp giấy phép sử dụng súng sẽ bị trì hoãn cho tới khi chính phủ mở cửa trở lại.

Các dịch vụ cần thiết như an sinh xã hội, kiểm soát không lưu và Cơ quan An ninh Vận tải vẫn sẽ được cung cấp ngân sách hoạt động dù một số nhân viên thuộc những cơ quan trên thì không. Bưu điện Mỹ sẽ không ngừng hoạt động, dịch vụ thư tín diễn ra bình thường. Các thành viên quốc hội vẫn sẽ nhận lương bởi quy định đã được ghi trong luật.

Tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 2013 chủ yếu ảnh hưởng tới người dân ở Washington. Nhưng lần này, Thị trưởng Washington Muriel Bowser tuyên bố mọi dịch vụ của thành phố vẫn sẽ được duy trì, không như cách đây 5 năm.

"Washington D.C vẫn mở cửa", bà Bowser ngày 19/1 nhấn mạnh. "Chính quyền Washington D.C sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dân, các dịch vụ họ mong đợi và xứng đáng được nhận sẽ không bị gián đoạn".

Tin cùng chuyên mục