Điều hành phát triển kinh tế - xã hội 2020: Tình huống mới, giải pháp mới

(BĐT) - Chính phủ khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Ngành du lịch, lưu trú, vận tải, nhà hàng, hoạt động giải trí... sẽ chịu tác động nhiều nhất từ dịch nCoV. Ảnh: Lê Tiên
Ngành du lịch, lưu trú, vận tải, nhà hàng, hoạt động giải trí... sẽ chịu tác động nhiều nhất từ dịch nCoV. Ảnh: Lê Tiên

Tác động nhiều mặt từ dịch bệnh đến nền kinh tế

Về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đến kinh tế Việt Nam, theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ bị tác động nhiều nhất, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí… Tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm do dịch bệnh chiếm khoảng 17,3% trong GDP năm 2019. Khu vực nông - lâm - thuỷ sản của Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng như điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày…

Nếu mức độ lây lan của dịch nCoV tại Việt Nam nằm trong tầm kiểm soát, BVSC dự báo GDP trong quý I/2020 sẽ thấp hơn 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại từ quý II/2020. Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, BVCS cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.

Chung nhận định lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là du lịch và thương mại, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dẫn nguồn ANZ dự báo, GDP của Việt Nam trong quý I/2020 có thể bị mất 0,8% do ảnh hưởng từ dịch nCoV. Theo KBSV, không loại trừ khả năng Chính phủ có thể nới tăng trưởng tín dụng, kích thích tài khóa, đẩy mạnh đầu tư công, do đó nhóm ngành ngân hàng và xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Chính phủ cũng đã tập trung phân tích về tác động của dịch nCoV đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dịch nCoV sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam và lan tỏa lâu dài, từ xuất khẩu, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư, thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, đến lao động, đời sống và tâm lý của người dân... Trường hợp dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I/2020, Bộ KH&ĐT ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó quý I tăng 3,8%, quý II tăng 6,55%, quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý II/2020, thì tăng trưởng quý II giảm còn 5,81%, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy, việc kiểm soát lạm phát chung khoảng 4% năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức hơn dự kiến trước đây. Tuy nhiên, do nền tảng kinh tế Việt Nam đã củng cố khá vững chắc trong những năm qua, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nên cú sốc về dịch bệnh có thể làm chậm lại tạm thời các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng khó có thể gây tình trạng đình đốn kinh tế. Nếu dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, ít có khả năng nguồn cung của nền kinh tế bị gián đoạn gây tình trạng giá cả tăng cao trên diện rộng, khiến lạm phát tăng cao.

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý II năm 2020, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ là nghiêm trọng. Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm từ 400 - 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5 - 8%, tùy theo diễn biến của dịch. 

Phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất, phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần bàn tiến, không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu cao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Các bộ, ngành điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, thị trường du lịch, tái cơ cấu ngành hàng không. Theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, không tăng giá điện, dịch vụ công…

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng, sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tin cùng chuyên mục