Ảnh Internet |
Theo đó, DN nhà nước đang giảm về số lượng nhưng vẫn thu hút vốn lớn vào sản xuất kinh doanh (SXKD). DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù có quy mô lớn, lợi nhuận lớn nhất, nhưng lại đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế.
Chênh lệch giữa lợi nhuận và đóng góp ngân sách
Theo điều tra, cập nhật của Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng số DN thực tế đang hoạt động (không bao gồm các DN đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các DN ngừng hoạt động có đăng ký) vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước ước tính là 561.064 DN, tăng 11,1% so với năm 2016.
Số DN thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 DN, tăng 15,2% so với năm 2016. Có 34/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng số DN thành lập mới năm 2017 so với năm 2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Có 4/63 tỉnh, thành phố có tốc độ thành lập DN mới năm 2017 giảm so với năm 2016.
Tổng số vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng.
Tổng số DN thực tế đang hoạt động trong cả nước tại thời điểm ngày 31/12/2016 là 505.067 DN, số DN trong giai đoạn 2010 - 2016 bình quân mỗi năm tăng 10,4%. Tính theo thành phần kinh tế, số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực tế đang hoạt động là 2.663 DN, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khu vực này giảm 3,4% số DN; trong khi bình quân giai đoạn này số DN ngoài nhà nước tăng 10,5%, DN FDI tăng 11,6%.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của khu vực DN tại thời điểm 31/12/2016 đạt 30,2 triệu tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 16,4% vốn cho SXKD.
Theo thành phần kinh tế, khối DNNN mặc dù giảm về số lượng nhưng đều là các DN có quy mô lớn nên vốn thu hút vào SXKD vẫn khá lớn. Tại thời điểm ngày 31/12/2016, tổng vốn huy động vào SXKD của khối DNNN là 8,36 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm khối DNNN vẫn thu hút thêm 13% vốn cho SXKD.
Trong khi đó, khối DN FDI có số lượng DN ít nhưng hầu hết là các DN có quy mô lớn nên thu hút nhiều vốn cho SXKD, đồng thời tốc độ thu hút vốn cho SXKD của khối DN FDI cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2016. Song, tính riêng trong năm 2016, mặc dù khối DN FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010 - 2016.
5 nguyên nhân khiến DN FDI đóng góp NSNN thấp
Lý giải về nguyên nhân DN FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước ở mức thấp, mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc TCTK đưa ra 5 nguyên nhân.
Cụ thể, theo chủ trương thu hút đầu tư tại một số địa phương, đối với DN sản xuất các sản phẩm công nghiệp áp dụng công nghệ cao (như sản xuất, lắp ráp, gia công, nghiên cứu tiếp thị, kinh doanh và phân phối các sản phẩm điện tử, viễn thông…), được miễn thuế thu nhập DN một số năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi thuế.
Thứ hai, các DN FDI hoạt động trong các ngành áp dụng công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện.
Thứ ba, một số địa phương có chính sách khuyến khích, miễn giảm các loại thuế, thời gian miễn giảm khác nhau do cơ chế phân cấp để các địa phương chủ động duyệt và cấp phép đăng ký kinh doanh cho DN FDI. Ông Thúy cho rằng, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát để “khống chế” các tỉnh, thành phố đối với những chính sách vượt khung tạo ưu đãi quá lớn cho DN FDI, tạo điều kiện SXKD, cũng như môi trường kinh doanh công bằng cho các DN trong nước.
Thứ tư, nhiều DN FDI được một số địa phương hỗ trợ khởi nghiệp như giải phóng mặt bằng, hạ tầng.
Thứ năm, một bộ phận DN FDI lách luật, chuyển giá mà các cơ quan quản lý chưa phát hiện ra hoặc chưa có chế tài nghiêm cấm, xử phạt… Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phải xây dựng Nghị định để rà soát, chống chuyển giá của các DN FDI.