DN phân bón lãi lớn, chờ “cú hích” chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá khí đầu vào giảm cùng với nhu cầu tăng cao từ thị trường nước ngoài đang giúp Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) thu được kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và 9 tháng năm 2020. Nhiều doanh nghiệp phân bón khác cũng báo lãi ròng tăng cao.
9 tháng năm 2020, lãi ròng của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đạt 597,1 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
9 tháng năm 2020, lãi ròng của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) đạt 597,1 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, dù doanh thu 9 tháng năm 2020 không tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực, đạt 476 tỷ đồng. Đạt được kết quả này là nhờ hưởng lợi từ giá dầu giảm kéo theo giá khí đầu vào thấp hơn giá kế hoạch. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu, tiêu thụ phân urê của Công ty tăng trưởng tốt dù quý III hàng năm thông thường là giai đoạn thấp điểm của thị trường do nhu cầu trong nước giảm.

Theo tính toán của Báo Đấu thầu, lãi ròng 9 tháng năm 2020 của Đạm Cà Mau tăng trưởng khoảng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tính riêng quý III/2020, doanh nghiệp này lãi sau thuế khoảng 116,8 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với quý III/2019.

Báo cáo tài chính mới được công bố của Đạm Phú Mỹ cũng ghi nhận lãi ròng quý III/2020 tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 183 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của Đạm Phú Mỹ đến từ biên lợi nhuận gộp tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 3,3%, trong khi chi phí giá vốn giảm 3,4% khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ thu về hơn 433 tỷ đồng, tăng 37,9% so với quý III/2019. Biên lợi nhuận gộp đạt 22,2%, trong khi con số cùng kỳ năm trước là 16,5%. Lũy kế 9 tháng năm 2020, lãi ròng của Đạm Phú Mỹ đạt 597,1 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, ngoài Đạm Cà Mau, còn có 3 nhà máy khác sản xuất phân urê là Đạm Phú Mỹ, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, chỉ có Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, 2 nhà máy còn lại sử dụng than làm nguyên liệu chính.

Báo cáo của Phú Hưng cũng cho biết, 2 loại sản phẩm phân bón chính khác trong nước là phân lân và phân NPK có nhiều nhà máy tham gia sản xuất hơn, như: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Phân bón Miền Nam... Nguyên liệu chính để sản xuất phân lân được khai thác từ các quặng apatit thường tập trung ở Lào Cai. Phân NPK thì sử dụng nguyên liệu đầu vào là phân urê, phân lân và phân kali. Các công ty sản xuất phân NPK sẽ mua nguyên liệu từ các công ty khác để sản xuất.

Vì vậy, nhìn chung, việc giá dầu giảm trong năm 2020 sẽ chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho 2 doanh nghiệp là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ. Đối với các doanh nghiệp còn lại, việc giá dầu giảm có thể sẽ tác động gián tiếp nhưng không thực sự rõ ràng.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao lãi ròng quý III/2020 đạt 6,1 tỷ đồng (tăng 3,5 lần), Công ty CP Phân lân Ninh Bình lãi ròng 1,6 tỷ đồng (tăng 33%), Công ty CP DAP - Vinachem lỗ 6,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 18,4 tỷ đồng)…

Một tin vui với ngành phân bón là Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm giá bán phân bón.

Việc không phải là đối tượng chịu thuế GTGT khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/1/2021.

Ngoài ra, Công ty CP Chứng khoán Funan kỳ vọng giá các hàng hóa nông nghiệp chính đều hồi phục mạnh mẽ sau đợt dịch bệnh do gián đoạn nguồn cung từ phía Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực để nông dân Việt Nam mở rộng diện tích gieo trồng trong thời gian tới, qua đó gia tăng lượng tiêu thụ phân bón.

Tin cùng chuyên mục