Những đề xuất về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng từ Việt Nam nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các thành viên G20. Ảnh: Quý Bắc |
Thủ tướng đưa ra 3 đề xuất và nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, đột phá, là chìa khóa của các quá trình chuyển đổi cho phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Thị Luyến Trưởng ban Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương |
Dấu ấn hợp tác quốc tế
Trích dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Chúng ta không thừa hưởng trái đất từ tổ tiên, chúng ta vay mượn nó từ các thế hệ tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi hành động của chúng ta hôm nay đều quyết định vận mệnh của các thế hệ tương lai. Với quan điểm ấy, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình cùng các quốc gia, đối tác, cộng đồng quốc tế phấn đấu thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, đóng góp cho sự phát triển của một thế giới xanh, sạch, đẹp, bền vững, vì tương lai của các thế hệ mai sau.
Để góp phần đưa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về đích đúng hạn, Thủ tướng nêu 3 đề xuất. Thứ nhất là tập trung thúc đẩy 3 chuyển đổi then chốt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng, trong đó chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là nền tảng; chuyển đổi xanh là trung tâm, là định hướng dẫn dắt; chuyển đổi năng lượng là động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Trong quá trình này, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt, đột phá, là chìa khóa của các quá trình chuyển đổi cho phát triển bền vững.
Thứ hai là tập trung thúc đẩy đầu tư cho con người với quan điểm nhất quán lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; đồng thời chú trọng tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là những điều kiện quan trọng, tiên quyết cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng phục vụ lợi ích của người dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cuối cùng, cần phát triển các mô hình hợp tác tài chính sáng tạo và đầu tư hiệu quả, nhất là hợp tác công - tư để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng. Những đề xuất từ Việt Nam nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của tất cả các thành viên G20.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, hợp tác quốc tế để phát triển bền vững, thực hiện các cam kết tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau như tài trợ và hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ xây dựng chính sách và hệ thống luật pháp, tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư xanh, phát triển các dự án địa phương và hợp tác cộng đồng...
Các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF)... và nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Pháp... đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách và chiến lược phát triển bền vững, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc giảm phát thải khí nhà kính và duy trì phát triển bền vững.
Nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia phát triển cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, năng lực nghiên cứu và đề xuất giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, thông qua Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), một số đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu giữ, cất trữ, sử dụng carbon, sản xuất hydrogen xanh...
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp toàn cầu đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo; chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; phát triển giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh... Năm 2024, trong thu hút FDI vào Việt Nam, dẫn đầu là những ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn, công nghệ xanh…
Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo; phát triển giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh... tại Việt Nam |
Huy động nguồn lực quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng
Tháng 11 năm 2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ này. Đồng thời, Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu... Đây là những cam kết mạnh mẽ, có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ngay sau Hội nghị, tháng 12 năm 2021, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng làm Trưởng ban. Các nội dung cam kết tại COP26 nhanh chóng được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, đề án cụ thể.
Đó là Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 ban hành hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030...
Với các doanh nghiệp, đến nay, không riêng khối doanh nghiệp lớn, một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” cho thấy, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng ngày càng quan tâm và thực hiện nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh. Bằng cách thực hiện chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể góp phần tạo ra một xã hội và môi trường tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Nhiều doanh nghiệp đã ý thức rằng, để tồn tại và phát triển, phải chuyển đổi xanh, áp dụng các mô hình kinh tế mới thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, cần triển khai nhiều hơn nữa các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, tạo ra các diễn đàn đối thoại để các bên liên quan có thể hiểu biết lẫn nhau, hợp tác, chia sẻ giải pháp phát triển bền vững.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam không thể một mình giải quyết được mà cần sự đoàn kết, hợp tác mạnh mẽ từ các tổ chức, quốc gia khác. Để chuẩn bị cho việc đăng cai Hội nghị P4G năm 2025, cần tiếp tục tích cực tham gia các cuộc đối thoại và hợp tác quốc tế, triển khai các vấn đề quan tâm của toàn cầu cũng như các ưu tiên của các nước P4G, nhất là việc xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, giám sát các tác động của biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp thông minh carbon thấp; phát triển kinh tế tuần hoàn nhựa… Cùng với đó, cần tiếp tục thiết lập và kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính, công nghệ và hợp tác chính sách với các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam.