Đại dịch Covid-19 kéo theo việc giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Hơn 9 tháng đầu năm 2021 đã trôi qua, nhưng thời gian thực sự làm việc của các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, tính ra chưa đến phân nửa. Vì vậy, gánh nặng chỉ tiêu, doanh số, lợi nhuận đang đè lên vai doanh nghiệp bất động sản trong 3 tháng cuối năm và những chặng đường sắp tới.
Theo JLL, con số nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM thấp kỷ lục trong quý III/2021 đã nói lên điều đó, khi chỉ đạt 1.610 căn, giảm mạnh 73,4% theo quý và 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng mở bán thấp kỷ lục kể từ năm 2014, do một loạt sự kiện mở bán mới bị trì hoãn theo quy định giãn cách xã hội trong suốt quý III.
Tương tự với thị trường nhà liền thổ, nguồn cung cũng giảm sâu do giãn cách nghiêm ngặt ở các tỉnh miền Nam. Kéo theo lượng mở bán mới các tỉnh lân cận trong quý III đạt chỉ 274 căn, đến từ các dự án có quy mô nhỏ ở tỉnh Bình Dương và Long An, với mỗi tỉnh chỉ cung cấp khoảng 120 - 150 căn. TP.HCM, trung tâm của đại dịch, không ghi nhận lượng mở bán nào trong quý nói trên.
Ghi nhận thực tế từ nhiều chủ đầu tư cho thấy, đại dịch Covid-19 kéo theo việc giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Chủ đâu tư không phát triển được dự án, sàn giao dịch không có sản phẩm để phân phối, nhân viên môi giới không có hàng để bán.
"Năm nay, nhiều doanh nghiệp chỉ đạt được 50% kế hoạch đề ra đã là một cố gắng rất lớn. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay, ngoài việc bản thân mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực ra, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của phía Chính phủ và các cơ quan chức năng, từ cơ chế, chính sách, lãi suất ngân hàng... để giúp doanh nghiệp sớm hồi sinh", tổng giám đốc một tập đàon bất động sản chia sẻ.
Lượng mở bán mới được ước tính dựa trên giả định TP.HCM duy trì tình trạng “bình thường mới” trong ba tháng cuối năm. Ảnh: Ngô Bảo Tín |
Hy vọng được nhen nhóm trong những tháng cuối năm nay chính là việc thị trường căn hộ bị nén lại trong quý III do đại dịch được dự báo sẽ hồi phục khi nhiều dự án có kế hoạch mở bán, với tổng cộng gần 10.000 căn dự kiến tung ra trong quý IV, tương đương với tổng lượng mở bán của 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, lượng mở bán mới này được ước tính dựa trên giả định TP.HCM duy trì tình trạng “bình thường mới” trong 3 tháng cuối năm và con số trên có thể thay đổi đáng kể nếu có bất kỳ sự kiện bất thường nào xảy ra.
Đương nhiên, đối với nguồn cung nhà liền thổ, xét trong ngắn hạn sẽ gặp thách thức, do vấn đề pháp lý với một số dự án chưa được giải quyết. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại giữa các tỉnh, dẫn tới đình trệ trong công tác xây dựng và mở bán cũng sẽ là chướng ngại cho nguồn cung mới trong ngắn hạn.
Theo bà Phạm Kim Xuân, Giám đốc Marketing tại JLL Việt Nam, JLL tiếp tục điều chỉnh giảm nguồn cung tương lai của nhà ở liền thổ so với dự báo ở quý trước, trong đó lượng mở bán mới ước tính dao động trong khoảng 600 - 900 căn ở TP.HCM và khoảng 1.000 - 1.200 căn ở các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, các dự án tích hợp ở các khu vực vệ tinh TP.HCM dưới hình thức khu đô thị tích hợp năng động hoặc một nơi nghỉ dưỡng cuối tuần sẽ dẫn đầu nguồn cung cũng như dẫn dắt tâm lý thị trường hướng về khu vực dự án trong trung và dài hạn.
Trong bối cảnh tâm lý thị trường từng bước ổn định sau dịch, giá bán sơ cấp theo đó được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, ở cả phân khúc căn hộ và nhà ở liền kề.
Hiện, các công cụ trực tuyến vẫn đang tiếp tục được sử dụng bởi các chủ đầu tư và sàn môi giới để duy trì hoạt động tiếp thị và liên lạc với khách hàng trong mùa dịch.
Các chương trình bán hàng hấp dẫn cũng được triển khai như gói hỗ trợ lãi suất bằng không đến khi bàn giao dự án, hoặc chương trình mua lại với mức lợi nhuận được đảm bảo.
"Thị trường đang chứng kiến xu hướng dịch chuyển, trong đó giá mở bán mới dự kiến tiếp tục tăng dưới áp lực thiếu hụt quỹ đất và chi phí vật liệu xây dựng leo thang", chủ đầu tư của một dự án nhận định.
Mức giá tăng khiến nguồn cầu đang dần chuyển dịch ra xa khu vực trung tâm với giá cả hợp túi tiền hơn. Xu hướng này ngày càng rõ nét trong bối cảnh thu nhập giảm sút do tác động của đại dịch.