Tại hội thảo "TPP - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt" diễn ra cuối tuần này tại TP HCM, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright phân tích, Việt Nam hiện có bốn khu vực kinh tế nhưng ba phần tư kim ngạch xuất khẩu thuộc khu vực FDI. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt không thể tăng về quy mô, mở rộng và khó phát triển.
Theo ông Nghĩa, điều khiến doanh nghiệp trong nước không phát triển được đó là thể chế, chính sách. Các FTA thực chất là các luật chơi mới được đặt ra trong bối cảnh mới. Do đó, TPP không có hiệu quả tức thì nếu doanh nghiệp nội và Nhà nước không cải cách.
Hiện nay có một thực tế là doanh nghiệp mất đến 70% thời gian để đối diện với chính sách, không tạo dựng quan hệ với chính quyền thì khó làm ăn. Trong khi các nước, chính sách xuất phát từ doanh nghiệp, vì họ tạo ra việc làm cho xã hội. Do đó, trong nước không có sự bình đẳng thì doanh nghiệp Việt khó lớn lên được.
"Không ai dọn cỗ cho người khác đến ăn. Nếu doanh nghiệp Việt bị "trói" ngay trong "ao nhà" thì khó tận dụng được cơ hội do TPP mang lại. Cải cách phải bắt đầu từ Hà Nội và TP HCM để "cởi trói" cho doanh nghiệp", ông Nghĩa kiến nghị.
Muốn vậy, chuyên gia cho rằng Nhà nước phải xóa bỏ được tình trạng nhũng nhiễu, tăng trách nhiệm giải trình của các đơn vị hành chính công, giảm độc quyền kinh doanh, tạo một nền kinh tế mang tính thị trường hơn…
Vấn đề liên kết cũng được các chuyên gia đặt ra tại hội thảo với quan điểm cho rằng có thể giúp doanh nghiệp nội tăng khả năng phát triển hơn. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết, trong ngành dệt may 90% sợi từ Việt Nam là phải nhập, vì doanh nghiệp muốn đầu tư một nhà máy kéo sợi phải tối thiểu mất 100 triệu USD. Điều này là quá sức đối với nhà đầu tư trong nước, nhưng lại có doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư 800 triệu USD xây nhà máy sợi tại Việt Nam, cho thấy nội lực doanh nghiệp Việt rất yếu.
Do đó, ông Hưng đặt ra vấn đề là doanh nghiệp nội phải liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để lớn nhanh hơn. Ông dẫn chứng, đã có một doanh nghiệp Việt dùng mối quan hệ của mình liên kết với một doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) để mở rộng nhà máy dệt, đầu tiên là 120 triệu USD, đến nay đã tăng lên 160 triệu USD tại khu công nghiệp Việt Hương 2 (Bình Dương).
Luật sự Nguyễn Hoàng Tranh cũng nhìn nhận, TPP là "cơn bão cơ hội" nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt vẫn chỉ gia công, lấy công làm lợi. Do đó, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt là phải gia tăng nội lực, làm thương hiệu quốc tế, được khách hàng quốc tế tin cậy thì mới phát triển được.
Ông Tranh nêu dẫn chứng, chẳng hạn nhiều doanh nghiệp Việt hiện chỉ bán hạt điều thô sang Úc, nhưng hạt điều đó được doanh nghiệp nước này chế biến thêm muối, đường… và bán với giá gấp 3-4 lần.