Doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu có thể phải đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững như: năng lượng xanh, giảm phát thải carbon... Ảnh minh họa: Ngọc Hà |
Chọn phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn
Theo Báo cáo kết quả khảo sát tình hình DN tháng 5/2023 vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng công bố, 4 khó khăn, thách thức lớn nhất được các DN phản ánh là: khó khăn về đơn hàng (59,2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Không gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn - một DN FDI hoạt động trong sản xuất vali, túi xách cho biết, lý do chính là họ phải tuân thủ đầy đủ và đáp ứng các tiêu chí về PTBV. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với Pungkook Sài Gòn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ việc tham gia và thực hiện Bộ chỉ số DN bền vững tại Việt Nam (CSI) do VCCI phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, nên DN phát triển khá ổn định, tăng trưởng đều.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty, yêu cầu của các đối tác ngày càng cao, trong đó có yêu cầu về sử dụng nguồn năng lượng tái tạo… Để đáp ứng được yêu cầu này, các nhà máy buộc phải đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo hoặc mua điện tái tạo. Thế nhưng, thời gian qua, khi đầu tư điện mặt trời áp mái, nhiều DN vấp phải quy định ngặt nghèo và bất cập về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy với suất đầu tư cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, các DN phát triển năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gắn với bảo vệ môi trường đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có giá bán điện cụ thể, bao tiêu sản phẩm, hòa lưới điện quốc gia. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là rất lớn. PV Power đang đàm phán vay vốn quốc tế khoảng 1 tỷ USD và một trong những điều kiện để vay được vốn là DN phải bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC)… “Cái mà DN cần nhất lúc này là một chính sách đồng bộ để thúc đẩy các nhà đầu tư cùng tham gia và cơ chế bao tiêu sản phẩm năng lượng sạch. Nếu không được chạy trên nền lưới điện quốc gia thì hầu hết DN không thể phát triển được”, ông Giang lo lắng.
Nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho DN chọn phát triển bền vững
Năm 2021, Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030. Sau đó 1 năm, bản Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng chính thức được ban hành. Tuy nhiên, để hỗ trợ và thúc đẩy DN đầu tư PTBV, theo đại diện của một công ty kiểm toán quốc tế, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần hướng dẫn chi tiết cho DN về cơ chế xác định thế nào là dòng vốn xanh, chứng chỉ xác nhận sử dụng năng lượng xanh… Lợi ích mang lại cho DN thường lớn hơn khoản chi phí mà DN bỏ ra để đầu tư PTBV. Hiện nay có rất nhiều dòng vốn xanh từ trong nước, quốc tế thông qua các quỹ đầu tư phát thải ròng, hay các tổ chức tài chính quốc tế như: IFC, WB… Khó khăn hiện nay của DN chủ yếu là chưa có nhiều thông tin về dòng vốn, các tiêu chí xác định dự án xanh và giải pháp hướng đến PTBV nên chưa sẵn sàng đầu tư.
Việc triển khai chiến lược PTBV thông qua các chỉ số CSI, theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI tại Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố DN bền vững tại Việt Nam năm 2023 là không quá khó và xa vời như một số DN hình dung. Bộ chỉ số CSI 2023 đã được cải tiến toàn diện so với những năm trước, được chia thành 7 phần, trong đó, đa số là chỉ số tuân thủ (chiếm 63%), còn chỉ số nâng cao chỉ chiếm 37%. Điều này giúp DN dễ dàng áp dụng, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật là DN đã có một nền tảng vững chắc cho PTBV. CSI 2023 sẽ bắt đầu khởi động từ ngày 10/6/2023 đến ngày 31/8/2023.
“Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm, biểu dương các DN PTBV xuất sắc tại Việt Nam, mà thông qua đó nâng cao nhận thức của DN và xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của PTBV trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy DN thực hiện kinh doanh bền vững nói chung, thực hành quản trị DN bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng”, ông Vinh nói.