Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bảo vệ quyền tự do kinh doanh
Trăn trở, suy tư về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và quyền tự do kinh doanh của người dân, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện nay, ngay cả báo chí, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn chưa thực sự hiểu đầy đủ độ sâu về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014. Khi đánh giá tác động của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014, chúng ta phải đặt nó trong một môi trường đầu tư kinh doanh chung và nó dự định giải quyết vấn đề gì, giải quyết được đến đâu và trong quá trình thực hiện có những vấn đề gì? Hiến pháp năm 2013 có một điểm mới khi xác định quyền tự do kinh doanh là một quyền cơ bản của con người. Đã là quyền cơ bản của con người thì phải được thực thi đầy đủ, được bảo vệ một cách chắc chắn và luật pháp phải làm được điều đó. Và ngay từ khi ra đời, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã hướng đến mục đích là bảo đảm và bảo vệ quyền tự do kinh doanh.
“Năm 2014 có thể nói là đã đạt đến điểm cao nhất về bảo vệ và thừa nhận quyền tự do kinh doanh một cách tương đối chắc chắn, làm cho việc đầu tư, kinh doanh của người dân và nhà đầu tư dễ dàng, thuận lợi, ít rủi ro và ít chi phí hơn. Điều này thể hiện qua cách làm luật, nội dung của luật, qua câu chữ, rồi đến thực hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn”, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Về cách tiếp cận mới trong làm Luật, ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 được xây dựng theo hướng là doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm. Luật Đầu tư đã quy định 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, ngoài 6 ngành nghề cấm thì người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà Luật không cấm, trong đó có 267 ngành nghề có điều kiện. Phân loại ra còn có cả điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Khi nhìn về các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chúng ta nhận thấy một số nghị định, thông tư hướng dẫn dường như chưa thật sự tuân thủ đầy đủ nội dung và tinh thần của Luật. Đâu đó vẫn còn những quy định thực sự khác Luật (không nói là trái) hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, dù giải thích với bất cứ lý do gì”.
Dù cho rằng từ Luật cho đến triển khai thực hiện vẫn còn khoảng cách nho nhỏ, nhưng ông Cung vẫn khẳng định, xét về tổng thể, so sánh giữa trước và sau khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành, thì có bước tiến lớn về việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đã đạt đến mức tối đa có thể, đã bảo vệ tốt hơn quyền tự do, kinh doanh. Điều này còn thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký mới sau ngày 1/7/2015, số vốn bổ sung, số vốn đăng ký mới, số ngành nghề mà doanh nghiệp mở mang kinh doanh… đã tăng lên rõ rệt, chứng tỏ những tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 mang lại.
Bùng nổ sự khởi nghiệp kinh doanh
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Đình Cung, điều quan trọng nhất là khơi dậy tinh thần tự do kinh doanh. Để làm được điều này thì chỉ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là chưa đủ, mà phải cần cả hệ thống pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là điều kiện kinh doanh. Thêm vào đó là cách thức quản lý nhà nước, không thể cứ kiểm tra, thanh tra nhiều như hiện nay. Tư duy truyền thống về lập pháp cũng như tư duy quản lý nhà nước hiện nay đã quá lạc hậu, đang đè nén, kìm hãm, làm thui chột sự năng động, sáng tạo. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải là đối tác, chứ không phải là đối tượng, đối phó lẫn nhau.
“Có thể nói, thời điểm năm 2016 và 2017, chúng ta rất cần một sự bùng nổ về khởi sự và tinh thần kinh doanh, không chỉ khởi sự theo kiểu truyền thống, mà cần một sự đổi mới sáng tạo. Khởi sự theo hướng đổi mới sáng tạo có thể là đầu tư mạo hiểm, nhưng nếu thành công thì lại đạt được sự thành công bùng nổ, nghĩa là có thể tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh lớn và đem lại giá trị gia tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn như Uber, Graptaxi, Google...”, ông Nguyễn Đình Cung kỳ vọng.
Do vậy, theo vị chuyên gia này, đã đến lúc, Nhà nước cần phải có cách nhìn mới, cách tiếp cận mới, sáng tạo mới trong lập pháp, làm chính sách để tạo ra một hệ sinh thái khởi sự đổi mới sáng tạo theo hướng thúc đẩy, hỗ trợ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, cùng đồng hành, cùng chia sẻ với doanh nghiệp để cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp tạo nên một sự bùng nổ về khởi sự và tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam. Điều đó cực kỳ cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thúc đẩy cải cách và phát triển nền kinh tế của Việt Nam sang một giai đoạn mới, củng cố và nâng cao vị thế của khu vực kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân trong nước.
“Nhân dịp năm mới, để gửi một thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp, theo tôi, chỉ bình tĩnh, kiên định, kiên trì là chưa đủ, mà đòi hỏi doanh nghiệp phải ở thế tấn công. Tức là ngoài việc củng cố sự chắc chắn hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp còn phải chủ động, kết nối, phối hợp nhiều hơn với nhau để đấu tranh đòi hỏi cơ quan nhà nước phải thay đổi, tạo thuận lợi cho mình, chứ không thể cứ ngồi chờ như lâu nay”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.