Nhiều doanh nghiệp dược mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất thuốc tân dược đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều động lực tăng trưởng mới
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu: đến năm 2030 có 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng, chữa bệnh; thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020. Đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.
Năm 2024, Quốc hội sửa đổi Luật Dược, trong đó cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi khi đầu tư sản xuất dược chất, thuốc công nghệ cao, thuốc chuyên khoa đặc trị và thuốc cổ truyền từ dược liệu Việt Nam... Đồng bộ với ưu đãi đầu tư là tăng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu chưa sản xuất được trong nước; hỗ trợ đầu ra với chính sách ưu tiên mua thuốc nội địa nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam qua nguồn vốn nhà nước và bảo hiểm y tế… Đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc mới, tháo gỡ khó khăn trong công tác cung ứng thuốc ra thị trường. Thủ tục đầu tư đặc biệt ưu tiên áp dụng cho lĩnh vực đầu tư công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế…
Riêng lĩnh vực cung ứng thuốc cho bệnh viện công (ETC), với phương châm “người Việt dùng thuốc Việt”, quy định về mua sắm công tại Luật Đấu thầu năm 2023, Luật số 57/2024/QH15, Thông tư 03/2024/TT-BYT có nhiều điểm mới, ưu tiên, khuyến khích cho sản phẩm sản xuất trong nước. Trong đó, các thuốc có ít nhất 3 công ty sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước.
Cùng với đà tăng trưởng cao của ngành dược những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, những chính sách mới sẽ mở đường và tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nội địa tiến tới làm chủ thị trường dược phẩm.
Sôi động “đường đua” đạt tiêu chuẩn EU-GMP
Đánh giá cao các chủ trương, chính sách ưu tiên cho sản phẩm sản xuất trong nước, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco cho rằng, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ để sản xuất ra nhiều loại thuốc chất lượng.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Hà cho biết, Traphaco lên kế hoạch thực hiện Dự án nhà máy sản xuất thuốc tân dược chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU-GMP, cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cộng đồng châu Âu. Dự kiến, cuối năm 2025 hoặc chậm nhất là đầu năm 2026 sẽ khởi công xây dựng nhà máy này.
“Công ty đang tập trung vào công tác nghiên cứu phát triển mảng tân dược. Theo cách đó, chúng tôi tạo ra những dòng thuốc generic, thuốc tương đương sinh học với các thuốc phát minh trên thế giới. Điều này sẽ giúp Traphaco nắm bắt cơ hội phát triển không chỉ ngắn hạn mà trong dài hạn. Dự án sản xuất thuốc tân dược cũng sẽ giúp người dân Việt Nam được tiếp cận thuốc tốt, giảm gánh nặng chi phí…”, lãnh đạo Traphaco nói.
DS. Trần Thị Đào, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết, IMP đang lên kế hoạch triển khai Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Khu công nghiệp Quảng Khánh, tỉnh Đồng Tháp. Dự án sẽ phát triển theo tiêu chuẩn EU-GMP trên diện tích 25.000 m2 với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Nhà máy dự kiến có công suất 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm. Thời gian khởi công dự kiến vào quý III/2025 và đi vào vận hành từ tháng 12/2028.
Dự án này được IMP coi là một phần quan trọng trong chiến lược nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường dược phẩm trong và ngoài nước. Với đẳng cấp chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, IMP đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm sang thị trường mới như Mông Cổ và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào Singapore, Malaysia, Philippines, Hongkong... Là doanh nghiệp sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhất Việt Nam, IMP cũng nhìn thấy cơ hội lớn ở các thị trường xa hơn như châu Âu, đặc biệt là sản phẩm thuốc kháng sinh. IMP hiện có 12 dây chuyền sản xuất tại 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP.
Theo tìm hiểu, trong số 93 loại thuốc nằm trong Danh mục thuốc có ít nhất 3 công ty sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp theo Thông tư 03/2024/TT-BYT, IMP hiện sở hữu 17 loại thuốc. Vì thế, đây là lợi thế của IMP trong kênh ETC thời gian tới.
“Ngành dược Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ các chính sách và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, khuyến khích sản xuất thuốc phát minh và công nghệ cao. Với hành lang pháp lý thuận lợi, IMP tiếp tục kiên định chiến lược đầu tư chiều sâu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường chuyển giao công nghệ, đa đạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới xuất khẩu trong năm 2025”, DS. Trần Thị Đào chia sẻ.
Để không bị loại khỏi “đường đua” sản xuất dược phẩm chất lượng cao, HĐQT Công ty CP Dược phẩm Cửu Long vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh Dự án Nhà máy Sản xuất dược phẩm theo tiêu chuẩn EU-GMP với tổng mức đầu tư hơn 1.396 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ung thư theo tiêu chuẩn EU-GMP và các hạng mục phụ trợ đi, dự kiến khởi công từ tháng 6/2025 và sản xuất chính thức từ tháng 1/2028.
Một số doanh nghiệp dược khác cũng đang chi lớn hoặc lên kế hoạch đầu tư nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP từ vài trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty CP Dược Danapha; Công ty CP Dược Vật tư y tế Hải Dương; Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar)…
Việc đầu tư nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp dược, giúp sản phẩm được phép lưu hành tại nhiều quốc gia, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Sản phẩm đạt chuẩn EU-GMP không chỉ định vị thương hiệu mà còn mang lại doanh thu cao hơn, đặc biệt ở kênh nhà thuốc (OTC) cũng như kênh ETC nhóm thuốc chất lượng cao. Theo đó, thuốc được sản xuất theo tiêu chuẩn càng cao càng có cơ hội mang lại doanh thu/lợi nhuận lớn. Thực tế, từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2024, số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn cao (EU-GMP, Japan-GMP, PIC-S/GMP) đã gia tăng đáng kể. Theo Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 19 nhà máy đạt chuẩn cao GMP-EU hoặc tương đương.