Doanh nghiệp gia nhập thị trường lập kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong nửa đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100.000 (116.900 DN), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Những con số tích cực về đăng ký doanh nghiệp cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường rất lớn. Ảnh: Tường Lâm
Những con số tích cực về đăng ký doanh nghiệp cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường rất lớn. Ảnh: Tường Lâm

Những con số ấn tượng

Đánh giá gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế đều nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Đà phục vụ hồi ấn tượng đó trở thành động lực cho việc gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 76.233 DN thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017 - 2021 (64.379 DN). “Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 DN và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn này”, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.

Số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 882.122 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017 - 2021 (749.019 tỷ đồng).

So với cùng kỳ năm ngoái, số DN thành lập mới tại 2 “đầu tàu” kinh tế của cả nước đều có sự gia tăng mạnh mẽ: Hà Nội tăng 9,8%; TP.HCM tăng 11,5%.

Tổng số vốn DN đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng qua là 2,73 triệu tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động đạt 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lĩnh vực hoạt động, có 14/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng như dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27,7%...

Trong nửa đầu năm 2022, cả nước có 40.667 DN quay trở lại thị trường, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017 - 2021 (20.949 DN). Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở cả 17 lĩnh vực.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, con số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường lần đầu vượt mốc 100.000 DN trong nửa đầu năm nói lên 2 điều. “Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi. Thứ hai, niềm tin của DN vào thị trường rất lớn”, ông Thành nói.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ, đây là những con số tích cực cho thấy đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng, các chính sách hỗ trợ DN phù hợp.

Tiếp tục chú trọng cải cách môi trường kinh doanh

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các báo cáo cho thấy mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh ở cấp địa phương mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn. Nhiều tỉnh, thành phố đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với quy định. Đáng chú ý là một số tỉnh, thành phố năng động và sáng tạo trong việc đề xuất sáng kiến, thực thi các giải pháp cải cách, hỗ trợ DN như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Hải Phòng, Bắc Ninh… Đây là những điều kiện tốt hỗ trợ DN gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất định, rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng gây áp lực lớn lên cộng đồng DN, có thể tác động đến quyết định duy trì hoạt động hay tạm thời rút lui khỏi thị trường.

Nửa đầu năm 2022, cả nước vẫn có hơn 83.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để tiếp tục hỗ trợ DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Nam cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, nên quan tâm nhiều hơn đến các DN có yếu tố sản xuất (như DN thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo) về cơ chế tài chính, tiếp cận mặt bằng, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Một số chuyên gia kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng hơn nữa việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách; triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến…

Tin cùng chuyên mục